Dệt may là một trong những ngành tích cực ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Đức Thanh
Phao cứu sinh
Dịch bệnh đã giáng cú đấm mạnh vào tất cả các ngành kinh tế. Dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất. Một doanh nghiệp may có 4.000 lao động nếu ngưng sản xuất 1 tháng, chỉ riêng tiền lương chờ việc cho lao động đã là 20 tỷ đồng (tính trung bình 5 triệu đồng/người).
“Trong bối cảnh khó khăn này, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số. Ví dụ trước kia, các chuyên gia kiểm hàng tới May 10 để kiểm tra chất lượng từng sản phẩm một, thì hiện nay, công việc đó phải thực hiện online 100%. Người kiểm soát chất lượng tại May 10 ghi hình rồi gửi toàn bộ quá trình cho khách hàng. May 10 đang nỗ lực vượt khó để đạt kim ngạch khoảng 150 triệu USD”, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết.
Hay tại May Việt Thắng, việc chuyển đổi số đã thực sự là “phao cứu sinh”. Nếu theo công nghệ cũ, để cho ra đời một chiếc quần jean thành phẩm phải mất 13 phút, nhưng nay, với công nghệ lập trình trên máy, chỉ cần chưa tới 10 giây để tạo ra một sản phẩm.
“Hệ thống thiết bị công nghệ mới được đầu tư của Việt Thắng đã thay thế vị trí của 800 công nhân. Theo tính toán, trung bình một máy laser sử dụng công nghệ tự động, công nghệ cao, có thể thay thế cho 49 công nhân may thủ công”, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ.
Một doanh nghiệp khác là Traphaco cũng là điển hình cho xu hướng chuyển đổi số thành công trong đại dịch. Theo bà Đào Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Traphaco, nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng rô-bốt trong sản xuất, tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS); áp dụng phần mềm quản lý đa chức năng (ERP) trong quản lý doanh nghiệp; phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business Intelligence), đánh giá năng lực từng đại lý, nhà thuốc để tối ưu hóa các chính sách bán hàng.
Theo kết quả khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số trong thời gian qua đã có những tiến triển rất đáng phấn khởi. Trước Covid-19, có khoảng 50% doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số, từ khi xảy ra đại dịch, đã có thêm 25% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.
Tiêm “vắc-xin công nghệ”
Covid-19 gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, nhưng cũng là chất xúc tác, là “phép thử” dành cho doanh nghiệp nhanh nhạy, kịp thời thay đổi mô hình kinh doanh để tồn tại và vươn ra biển lớn. Chuyển lên hoạt động trên môi trường số, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, triệt để đã và đang là giải pháp cho rất nhiều doanh nghiệp.
“Covid-19 rồi cũng qua đi. Quan trọng là ai sẽ tận dụng được cơ hội, ai sẽ là người thích ứng nhanh, kịp thời thay đổi mô hình kinh doanh để vượt lên với sức sống mạnh mẽ hơn. Một số quốc gia đã làm được, nhiều doanh nghiệp đã làm được, đó là nhanh chóng chuyển hoạt động lên môi trường số”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Hiện Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Dịch vụ công trực tuyến sẽ tăng từ 30% năm 2020 lên 100% vào năm nay. Các hoạt động của Chính phủ sẽ chuyển nhanh lên môi trường số, kể cả những hoạt động thanh, kiểm tra. Chính phủ sẽ dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình này thông qua việc hoàn thiện các thể chế số. Trong năm 2021, Chính phủ sẽ ban hành nhiều nghị định và chiến lược liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số. Đó là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả và thành công.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, các nhà mạng viễn thông đã thực hiện gói hỗ trợ cước viễn thông và Internet lên tới 10.000 tỷ đồng. Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số xây dựng một bộ phần mềm hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, miễn phí từ 3-6 tháng, hiện có trên 10.000 doanh nghiệp đang sử dụng. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã giải quyết các vấn đề tồn tại về hạ tầng, tần số, thiết bị đầu cuối, thanh toán điện tử…
Ví việc chuyển đổi số như tiêm vắc-xin, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom chia sẻ: “Hiện các công ty viễn thông, công nghệ đã và đang triển khai các ‘vắc-xin công nghệ’ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu các doanh nghiệp chỉ xem việc chuyển đổi số như giải pháp chữa cháy nhất thời để vượt qua đại dịch thì đó là sai lầm lớn, mà phải xác định chuyển đổi số sẽ trở thành dòng chảy chủ đạo, ngay cả khi đại dịch qua đi.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu, Covid-19 tạo ra cú huých mạnh, nhưng chỉ là cộng hưởng chứ không phải nền tảng của chuyển đổi số. “Chuyển đổi số cần yếu tố nhân lực, cơ sở dữ liệu và thể chế. Thể chế, chính sách là yếu tố mang tính quyết định, chứ không phải là công nghệ”, ông Thiên nói thêm.
Điểm khác biệt của chuyển đổi số nằm ở việc nhanh chóng nắm bắt cơ hội, chấp nhận cái mới. Nếu chúng ta cứ đi sau thì sẽ mãi là người lỡ nhịp, không bao giờ thay đổi được thứ hạng quốc gia.
Để toàn dân tham gia một cách nhanh chóng, thì công nghệ số sẽ phải giống như điện, giống như nước, nghĩa là công nghệ số phải được cung cấp như là một dịch vụ, càng nhiều người sử dụng thì giá trị càng cao, chi phí càng thấp. Các nền tảng công nghệ số là chìa khóa giải quyết vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!