Câu nói: “Đồng tiền đi liền khúc ruột” từ bao đời nay đã trở thành câu nói phổ biến trong xã hội Việt Nam. Tư duy này không những hạn chế cơ hội sinh lời của những đồng tiền mà người dân tích lũy được mà còn làm hạn chế sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.
Trên thế giới, hoạt động ủy thác đầu tư diễn ra rất phổ biến, bởi do hạn chế về chuyên môn, thời gian và cả về vốn nên nhà đầu tư thường gửi gắm (ủy thác) đồng tiền của mình cho các chuyên gia hoặc tổ chức tài chính quản lý nhằm bảo toàn và phát triển đồng vốn của mình.
Tại Việt Nam, hoạt động ủy thác đầu tư được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Để làm việc này, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư điều chỉnh hoạt động của công ty quản lý quỹ và việc quản lý danh mục ủy thác nhằm bảo vệ nhà đầu tư.
Ngoài ra, với tư cách là cơ quan quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, UBCKNN được giao nhiệm vụ giám sát công ty quản lý quỹ, trong đó có hoạt động quản lý danh mục đầu tư. Việc giám sát và quản lý của UBCKNN được thực hiện thông qua báo cáo và kiểm tra, thanh tra đối với công ty quản lý quỹ.
Một điểm nữa cần phải lưu ý là khi quản lý danh mục ủy thác, công ty quản lý quỹ phải tuân thủ nhiều yêu cầu và quy định nhằm bảo vệ nhà đầu tư.
Các văn bản pháp quy đưa ra rất nhiều yêu cầu và hạn chế đối với công ty quản lý quỹ khi quản lý danh mục ủy thác. Các yêu cầu và hạn chế này đều có tính chất bảo vệ nhà đầu tư - khách hàng của công ty quản lý quỹ.
Trong số các yêu cầu đó, có thể kể đến việc công ty quản lý quỹ phải tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công bằng, trung thực và vì lợi ích cao nhất của nhà đầu tư.
Công ty quản lý quỹ cũng phải thiết lập cơ chế kiểm tra, đối soát với ngân hàng lưu ký, khách hàng; ưu tiên phân bổ lệnh cho khách hàng; lưu giữ hồ sơ, tài liệu giao dịch và tuân theo chỉ thị của khách hàng khi thực hiện quản lý danh mục đầu tư.
Công ty quản lý quỹ còn phải tuân thủ các hạn chế đầu tư và không được sử dụng tài sản của khách hàng để cho vay, bảo lãnh hay bảo đảm cho nghĩa vụ của chính công ty quản lý quỹ hay bất kỳ bên thứ ba nào khác.
Về quyền sở hữu tài sản, một yếu tố rất quan trọng mà nhà đầu tư quan tâm trong quá trình ủy thác đầu tư, thì tài sản và tiền vẫn thuộc sở hữu của khách hàng trong suốt quá trình ủy thác. Cho dù khách hàng có thể đồng ý để tài sản ủy thác đăng ký dưới tên công ty quản lý quỹ thì theo quy định, công ty quản lý quỹ chỉ là đại diện theo ủy quyền của khách hàng. Khách hàng vẫn là chủ sở hữu duy nhất đối với tài sản ủy thác và có đầy đủ quyền sở hữu đối với các tài sản đó.
Tiền và tài sản của khách hàng được quản lý tách biệt với tài sản của công ty quản lý quỹ và của khách hàng khác. Theo quy định, công ty quản lý quỹ phải quản lý tiền và tài sản của khách hàng tách biệt với tiền và tài sản của chính mình và của các khách hàng khác.
Trên thực tế, để đảm bảo yêu cầu này, công ty quản lý quỹ sẽ mở tài khoản (tiểu tài khoản) khác nhau cho các khách hàng khác nhau tại công ty quản lý quỹ và khi tiền và tài sản được lưu giữ/lưu ký trong tài khoản này thì sẽ được tách biệt với tiền/tài sản của công ty quản lý quỹ và khách hàng khác của công ty quản lý quỹ.
Tài sản của khách hàng ủy thác được quản lý và giám sát chặt chẽ bởi ngân hàng lưu ký. Theo quy định, tiền và tài sản ủy thác của khách hàng phải được lưu ký tại một ngân hàng lưu ký. Ngân hàng lưu ký là ngân hàng thương mại và được UBCKNN cấp phép hoạt động lưu ký chứng khoán.
Ngoài nhận lưu ký, ngân hàng lưu ký còn giám sát việc sử dụng tiền và tài sản của khách hàng bởi công ty quản lý quỹ. Ngân hàng lưu ký chỉ cho phép công ty quản lý quỹ sử dụng tiền hoặc tài sản sau khi đã kiểm tra, đối chiếu và thấy việc sử dụng đó là phù hợp với hợp đồng quản lý đầu tư ký giữa khách hàng và công ty quản lý quỹ và pháp luật. Công ty quản lý quỹ không được tự ý sử dụng tiền và tài sản của khách hàng một cách không phù hợp với hợp đồng ký với khách hàng.
Do có toàn quyền sở hữu và quyết định đối với tài sản ủy thác nên khách hàng được rút tiền và tài sản ủy thác bất cứ khi nào nếu muốn. Trong quá trình ủy thác, khách hàng được rút một phần hoặc toàn bộ tiền hoặc tài sản ủy thác ra khỏi danh mục. Các văn bản pháp quy có các quy định cụ thể để bảo vệ quyền này của khách hàng.
Khách hàng được thay thế công ty quản lý quỹ khi có vi phạm. Các văn bản pháp quy cũng trao cho khách hàng quyền thay thế công ty quản lý quỹ khi công ty quản lý quỹ vi phạm hợp đồng quản lý đầu tư. Cơ chế thực hiện quyền này được quy định tương đối cụ thể để khách hàng có thể thực hiện hiệu quả quyền của mình.