Ủy quyền giao dịch chứng khoán: Rối như canh hẹ!

Ủy quyền giao dịch chứng khoán: Rối như canh hẹ!

(ĐTCK-online) Thời điểm thi hành Thông tư số 74/2011/TT-BTC về giao dịch chứng khoán đã cận kề (ngày 1/8 tới), nhưng nội dung ủy quyền giao dịch chứng khoán trong Thông tư 74 và hướng dẫn của cơ quan quản lý vẫn đang khiến các CTCK lúng túng.

>> Rắc rối ủy quyền công chứng

Theo Điều 9 Thông tư 74, NĐT khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán có thể được ủy quyền giao dịch theo 2 trường hợp. Một là ủy quyền cho CTCK hoặc ngân hàng lưu ký, hai là ủy quyền cho các cá nhân khác. Đối với trường hợp thứ nhất thì không cần công chứng và chỉ cần ủy quyền bằng văn bản. Trường hợp thứ hai, NĐT làm ủy quyền phải có công chứng hoặc xác nhận của chính quyền địa phương và phải thực hiện dưới dạng hợp đồng ủy quyền.

Trước khi Thông tư 74 ra đời, việc ủy quyền tại các CTCK đã được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Càng gần đến ngày Thông tư trên có hiệu lực, mỗi công ty lại ứng xử với các ủy quyền giao dịch chứng khoán trước đây theo một cách, do không có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý. Bản thân cơ quan quản lý cũng tỏ ra lúng túng, thiếu thống nhất khi các CTCK yêu cầu được hướng dẫn xử lý vấn đề này.

Trong Công văn số 1889/UBCK-PTTT ngày 24/6 trả lời CTCK Sài Gòn về nội dung đề nghị hướng dẫn việc ủy quyền của NĐT theo Thông tư 74, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết: "Trước mắt, để tránh tạo áp lực cho các CTCK trong việc làm lại toàn bộ giấy tờ liên quan đến hợp đồng ủy quyền theo quy định, UBCK đồng ý công nhận hiệu lực của các loại giấy tờ ủy quyền, hợp đồng ủy quyền đã được xác lập đến trước ngày Thông tư 74 có hiệu lực cho đến khi UBCK có hướng dẫn chính thức về vấn đề này".

Ngày 30/6, UBCK có Công văn số 1945/UBCK-QLKD yêu cầu các CTCK chấm dứt việc xác nhận ủy quyền và nhận ủy quyền trái với quy định tại Điều 9 Thông tư 74. Tuy nhiên, các CTCK hiểu rằng, đây là chấm dứt đối với những trường hợp mở ủy quyền mới, còn với các ủy quyền đã có từ trước thì xử lý ra sao vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Trong Công văn số 2073/UBCK-PTTT ngày 6/7 trả lời CTCK KimEng, UBCK cho biết: "Thông tư 74/2011/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/8/2011, theo đó các giấy ủy quyền cho nhân viên môi giới CTCK sẽ không còn hiệu lực. Trường hợp giấy ủy quyền cho các cá nhân khác mà không có xác nhận của công chứng hoặc xác nhận của chính quyền địa phương cũng sẽ không còn hiệu lực. Công ty cần thông báo cho các khách hàng mở tài khoản làm ủy quyền để làm lại hợp đồng ủy quyền theo quy định".

Có thể nói, đến thời điểm này, việc xử lý ủy quyền giao dịch chứng khoán đang "rối như canh hẹ" do thiếu hướng dẫn cụ thể của UBCK. Một số CTCK thông báo tới NĐT rằng, các văn bản ủy quyền cũ sau ngày 1/8 sẽ hết hiệu lực, thậm chí là vô hiệu như MeKong, VNDirect, Trường Sơn, KimEng… Phần lớn CTCK còn lại im lặng không nói gì và điều này được nhiều người ngầm hiểu là văn bản ủy quyền cũ vẫn có hiệu lực.

Trước băn khoăn của nhiều CTCK về vấn đề ủy quyền giao dịch và thực hiện Thông tư 74, UBCK đã dự thảo công văn hướng dẫn Thông tư kể trên. Theo bản dự thảo, kể từ ngày 1/8/2011, tất cả các giấy ủy quyền giao dịch trước đây trái với Thông tư 74 đều không có hiệu lực bao gồm: ủy quyền cho nhân viên của CTCK, ủy quyền cho NĐT khác nhưng không có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Việc ủy quyền giao dịch phải lập dưới dạng hợp đồng ủy quyền có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng.

Dự thảo trên nhận ý kiến phản hồi thiếu tích cực từ phía CTCK. Các CTCK cho rằng, về mặt pháp luật, các văn bản uỷ quyền trước ngày 1/8 không có công chứng, chứng thực không có gì trái pháp luật. Thông tư 74 không quy định hồi tố và cũng không nói gì việc uỷ quyền cũ phải làm lại (không có điều khoản chuyển tiếp). Do đó, dự thảo công văn yêu cầu phải làm lại uỷ quyền cũ là không phù hợp với nội dung Thông tư 74. Vì vậy, nếu bắt buộc phải làm lại uỷ quyền cũ, các CTCK đề nghị sửa đổi Thông tư 74, quy định rõ việc này để có cơ sở giải thích và yêu cầu NĐT thực hiện. Đồng thời, có thời hạn chuyển tiếp từ 3 - 6 tháng để cho NĐT làm lại uỷ quyền cũ.

Theo các thành viên thị trường, hiện đã là cuối tháng 7, nhưng công văn hướng dẫn của UBCK vẫn chưa được ban hành. Nếu quy định từ ngày 1/8, các giấy ủy quyền giao dịch trước đây trái với Thông tư 74 đều không có hiệu lực, thì các CTCK sẽ không có thời gian để làm thủ tục với NĐT và rất dễ dẫn đến khiếu kiện.

Chiều 25/6, UBCK đã có cuộc làm việc với các thành viên thị trường lấy ý kiến góp ý cho công văn hướng dẫn thi hành Thông tư 74. Nhiều ý kiến đề nghị không yêu cầu mở tài khoản ký quỹ riêng biệt (bên cạnh tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường). Việc phát sinh thêm tài khoản mỗi khi áp dụng dịch vụ phái sinh có thể tạo phức tạp cho khách hàng, gánh nặng không cần thiết cho CTCK (đặc biệt là chỉnh lý hệ thống) và đôi khi tạo ra sự thiếu đồng bộ cho hệ thống quản lý.

 

Một số ý kiến cho rằng, Thông tư 74 cần sửa đổi quy định tại Điều 9 về tài khoản giao dịch uỷ quyền theo hướng không bắt buộc phải qua công chứng, chứng thực, vì uỷ quyền là dựa trên sự tin cậy của các bên. Việc bắt buộc công chứng, chứng thực không giúp làm giảm rủi ro trong đầu tư, không ngăn chặn được việc nhờ người khác mở hộ tài khoản rồi uỷ quyền lại, thậm chí còn làm rắc rối thêm vấn đề nếu việc nhờ người đứng tên tài khoản lại được công chứng, chứng thực. Đề nghị bổ sung quy định việc chấp nhận tất cả hình thức uỷ quyền bằng văn bản (không chỉ hình thức là hợp đồng). Dự thảo công văn hướng dẫn chỉ công nhận hình thức hợp đồng uỷ quyền là chưa phù hợp, cần linh hoạt công nhận cả các hình thức khác như giấy uỷ quyền trong thực tế.