Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo dự báo sẽ có từ 2- 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm do tác động của Covid-19. Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Do vậy, thực hiện chủ trương vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) để hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong thời gian tối đa là 3 tháng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Báo cáo của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại phiên họp thể hiện sự nhất trí cao với sự cần thiết của việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng phạm vi đối tượng hỗ trợ theo Báo cáo của Chính phủ còn chưa rõ ràng, khó xác định, nên đề nghị cần rà soát, quy định cụ thể, chặt chẽ để bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong hỗ trợ, không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện. Chẳng hạn như cần làm rõ các tiêu chí để xác định cụ thể mức độ giảm sâu thu nhập do dịch bệnh; xác định đối tượng lao động tự do; hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót, nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng...
Về mức hỗ trợ, ý kiến của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và một số thành viên băn khoăn về chia 2 mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng đối với nhóm đối tượng là người lao động, do mức chênh lệch giữa hai nhóm là khá lớn, trong khi việc phân biệt đối tượng chủ yếu dựa vào tiêu chí có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, mà chưa căn cứ vào nguyên tắc giảm sâu thu nhập, mất việc làm và bảo đảm mức sống tối thiểu…
Nhiều ý kiến tại phiên họp đề nghị cân nhắc việc sử dụng 3.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động, do đang thực hiện giãn cách xã hội, nên việc thực hiện các hoạt động đào tạo là chưa phù hợp.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thống nhất các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ đã xác định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát việc xác định đối tượng và mức hỗ trợ để làm sao quy định cụ thể, làm rõ các tiêu chí, tránh bị lợi dụng hoặc trục lợi chính sách… Thống nhất thời gian hỗ trợ được thực hiện không quá 3 tháng, trường hợp phải kéo dài thì cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở kết quả của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Chính phủ để hoàn chỉnh nghị quyết của Chính phủ để ban hành, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, khả thi, đúng pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực...