Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.
Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp chuyên đề về công tác lập pháp. Phiên họp sẽ kết thúc vào chiều 18/8/2022.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 11 luật, pháp lệnh và nghị quyết.
Trong đó có 5 dự án đã được Quốc hội cho ý kiến từ họp thứ ba, sẽ thông qua tại kỳ họp thứ tư, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi). Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
5 dự án này đã được chuẩn bị kỹ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Những dự án luật được cho ý kiến lần đầu, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư gồm có Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi).
Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) nếu được chuẩn bị tốt sẽ được thông qua ngay trong kỳ họp thứ tư, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh,
Hai nghị quyết được xem xét là nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân và Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội đã được xin ý kiến chuyên gia, các vị nguyên lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nguyên là đại biểu các khoá, sẽ trình Quốc hội thông qua tại một kỳ họp thứ tư để làm căn cứ pháp lý cho tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ngay trong buổi họp đầu tiên là Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Pháp lệnh này sẽ được thông qua ngay phiên họp chuyên đề này, vào sáng 18/8.
Lưu ý thời gian phiên họp chỉ có 4 ngày, nội dung thì rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia họp đầy đủ, tập trung nghiên cứu tài liệu, tham vấn ý kiến chuyên gia, tài liệu tham khảo để cho ý kiến sâu rộng vào các nội dung của phiên họp.