Phiên họp Thường trực Ủy ban Kinh tế mở rộng thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nội dung trong phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra từ 19 - 22/9.
Bên cạnh Luật Đất đai, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp.
Ngoài ra, Ủy ban còn xem xét một số dự thảo nghị quyết. Một là dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hai là dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.
Nội dung chương trình còn có việc xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá).
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét vào sáng thứ năm (22/9). Trước đó, ngày 16/9, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án luật này. Do hồ sơ dự án luật gửi chậm so với quy định nên phiên thẩm tra này đã phải lùi lại 1 tuần so với kế hoạch ban đầu.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực và các chủ thể.
Ông Thanh cũng nêu rõ, nhiều đại biểu cho rằng thời điểm hiện nay là phù hợp và cần thiết để sửa đổi Luật Đất đai nhằm thể chế hóa chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng, nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và hơn hết là khơi thông nguồn lực đất đai tạo động lực cho phát triển.
Tham gia thẩm tra, có thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai hiện hành chưa đầy đủ, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động còn quá sơ sài, chưa đủ căn cứ để đại biểu có thể xem xét toàn diện các chính sách được sửa đổi.
Đáng chú ý là nhiều nội dung trong dự thảo còn chưa rõ ràng, mạch lạc, một số nội dung quan trọng, trong đó có quy định về thu hồi đất vẫn thiết kế theo phương pháp liệt kê, thiếu tiêu chí cụ thể. Đại biểu cũng cho rằng còn có quá nhiều nội dung (80/240 điều) phải chờ nghị định mới có thể thực hiện, có thể dẫn đến tình trang luật chậm đi vào cuộc sống khi được ban hành.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Dự thảo có 10 nội dung mới, thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.
Ngoài phiên họp chuyên đề pháp luật, cũng trong các ngày từ 19-22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có 4 buổi họp từ 17h các ngày, cho ý kiếnvề dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về 4 chuyên đề.
Thứ nhất, “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Thứ hai, “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Thứ ba, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Chuyên đề thứ tư là “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.