Phiên họp thứ 43 của UBTVQH diễn ra ngày 11-14/3/2025

Phiên họp thứ 43 của UBTVQH diễn ra ngày 11-14/3/2025

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến về sửa Hiến pháp, giảm thuế VAT, miễn học phí...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại phiên họp thứ 44 sắp khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ họp 8,5 ngày (chia 2 đợt) để cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp và một số luật phục vụ tinh gọn bộ máy, kích thích tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân... trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới.

Theo Chương trình dự kiến, phiên họp thứ 44 của UBTVQH sẽ khai mạc vào ngày 14/4 tới, kéo dài 8,5 ngày và chia hai đợt: Đợt 1 (4 ngày) từ 14 đến 17/4, dự phòng ngày 18-21/4; Đợt 2 (4,5 ngày) từ ngày 23 đến hết sáng 28/4, dự phòng từ chiều 28 đến ngày 29/4.

Phiên họp bố trí nghỉ 5 ngày giữa hai đợt, từ 18 đến 22/4.

Ưu tiên sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Phiên họp định kỳ hàng tháng của UBTVQH lần này có số ngày họp gấp 2-3 lần các phiên họp trước đó, do có khối lượng công việc rất lớn.

Theo đó, sáng 14/4, ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp, UBTVQH sẽ xem xét, thông qua nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính (thay thế Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030).

Sau đó, UBTVQH sẽ cho ý kiến về các hồ sơ đề nghị: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Trong thời gian dự phòng của đợt 1 (18 - 21/4), căn cứ tiến độ gửi hồ sơ của cơ quan trình và đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; các luật, nghị quyết có liên quan để triển khai chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp… để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Đó là các dự án: Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn và Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch..

Trong trường hợp Toà án Nhân dân Tối cao chưa trình dự án Luật Phá sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 (do cần thêm thời gian nghiên cứu hoàn thiện) thì Luật này sẽ được sửa trước một số điều khoản cấp bách để phục vụ sắp xếp bộ máy, gộp chung vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phá sản.

Sửa đổi nhiều luật để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Cũng tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến đối với hàng loạt dự án luật quan trọng, trong đó có những luật vừa mới sửa đổi bổ sung song do bối cảnh thay đổi dẫn đến đòi hỏi phải tiếp tục sửa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đó là các dự án luật và nghị quyết có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 157 của Luật Đất đai (bao gồm cả nội dung giảm tiền thuê đất năm 2025).

Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; về chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước.

Cũng tại phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét một số dự án luật và nghị quyết mới như Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam...

Xem xét, cho ý kiến đối với nhiều vấn đề quan trọng khác

Ngoài các nội dung trên, tại Phiên họp thứ 44, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến đối với nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia nói chung, nền kinh tế nói riêng.

Đó là dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Việc bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC); Đề án, Phương án thiết kế xây dựng Bảo tàng Quốc hội Việt Nam; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội...

Đáng lưu ý, một số chính sách miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và người dân cũng sẽ được UBTVQH cho ý kiến tại kỳ họp này, trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-6/2025.

Đó là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026; dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026...

Ngoài ra, UBTVQH cũng sẽ xem xét một số nội dung thường lệ khác như: Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2025; Xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025; Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025...

Chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội dài nhất từ trước đến nay

Trước đó, UBTVQH vừa quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, kéo dài 35,5 ngày; khai mạc vào ngày 5/5 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 28/6/2025.

Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 từ ngày 5/5 đến hết ngày 28/5. Đợt 2 từ ngày 11/6 đến hết sáng ngày 28/6.

Tin bài liên quan