Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Trách nhiệm làm việc khó, việc mới

Sứ mệnh việc lớn, việc khó, việc mới của doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.

Những kết quả không nằm trong báo cáo

Hôm nay (29/9), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) kỷ niệm 5 năm ngày thành lập. Rất nhiều thành tựu đã được liệt kê trong các báo cáo của Ủy ban và của các tập đoàn, tổng công ty trong dịp đặc biệt này.

Tuy nhiên, câu hỏi Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm được nhiều hay ít trong 5 năm qua thực sự không dễ trả lời.

Trong Tọa đàm của Báo Đầu tư về “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” vừa tổ chức, các ý kiến đều đồng thuận phần việc làm được của Ủy ban rất đáng kể.

Có thể kể tới việc thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty; cơ bản khắc phục tình trạng một số công việc chưa được thực hiện đầy đủ, tồn đọng nhiều năm, cũng như việc tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước…

Kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh khá tích cực của 19 tập đoàn, tổng công ty trong 5 năm qua có thể là minh chứng.

So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), theo báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty, đến cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1,055 triệu tỷ đồng lên 1,154 triệu tỷ đồng; tổng tài sản tăng từ 2,35 triệu tỷ đồng lên 2,49 triệu tỷ đồng... Đáng kể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đạt doanh thu kỷ lục kể từ khi thành lập đến nay.

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế muốn nhìn sâu hơn vào phần việc khó nhất mà Ủy ban đã làm được, đó là xử lý các tồn tại của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

Trong số 12 dự án, 8 dự án đã được xử lý, 3 dự án còn lại đã có phương án trình Chính phủ trong tháng 8 và tháng 9/2023. Khả năng là sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban sẽ báo cáo Bộ Chính trị phương án xử lý đối với 3 dự án này theo đúng Chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2023.

“Những đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn dịch bệnh và khó khăn hiện tại; sự hồi sinh của một số dự án ách tắc kéo dài như Đạm Ninh Bình, Nhiệt điện Thái Bình II là những kết quả rõ nét nhất mà thị trường, cộng đồng nhìn nhận được trong kết quả 5 năm hoạt động của Ủy ban. Điều này rất có ý nghĩa khi chúng ta đang mong muốn tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải làm tốt vai trò của mình”, ông Thành nói.

Sứ mệnh làm việc khó

Vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ nặng hơn, cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình, trở thành nhà đầu tư, thay vì cơ quan quản lý vốn như hiện tại.

Vai trò rất lớn của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong nền kinh tế, ở cả góc độ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia là lý do khiến TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, 5 năm qua mới là chặng đường đầu tiên và những việc mà Ủy ban cần phải làm vẫn đang ở phía trước.

“Để có được cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp, chúng ta mất 17 năm, kể từ Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” vào năm 2001, đến Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, ông Kiên nhắc lại để thấy thách thức lớn mà Ủy ban đang đối mặt là tất yếu.

Trao đổi tại Tọa đàm, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng nhắc tới việc hoàn thiện mô hình Ủy ban để thực hiện nhiệm vụ chính là tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc không được can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.

“Giải pháp căn bản, lâu dài là phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật số 69/2014/QH13 làm cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp và Ủy ban…”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước đang được đặt nhiều sứ mệnh hơn, như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, ở góc độ doanh nghiệp nhà nước phải xác định rõ những lĩnh vực, ngành ưu tiên đầu tư và phát triển các công ty quy mô lớn có vai trò tiên phong, dẫn dắt. Chẳng hạn, các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh, hay công nghiệp bán dẫn... đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là đơn vị quy mô lớn.

“Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác”, Thứ trưởng Trung nói.

Tin bài liên quan