Trao đổi với báo chí chiều 15/6, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, dự thảo Nghị định về hoạt động của Ủy ban đang được hoàn thiện trình Quốc hội cho ý kiến và Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Song song với đó là 4 quy chế hoạt động của Ủy ban đang được xây dựng, dự kiến sẽ được ban hành ngay khi có quyết định đưa Ủy ban vào hoạt động. Hàng chục quy chế quản lý nội bộ, quy chế phối hợp hoạt động giữa Ủy ban với các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan cũng đang được gấp rút xây dựng.
“Hiện 2/3 khối lượng công việc đã được chúng tôi hoàn thành”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết.
Điểm nổi bật trong hệ thống quản lý của Ủy ban là Hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp và bộ chỉ số theo dõi doanh nghiệp đang được xây dựng.
Theo dự thảo Nghị định mới nhất, sẽ có 19 tập đoàn, tổng công ty và SCIC (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước) sẽ chuyển giao vốn cho Ủy ban quản lý. Tổng lượng vốn lên tới hàng triệu tỷ đồng. Với quy mô rất lớn như vậy, số lượng doanh nghiệp nhiều, công ty con cháu đông, quản lý theo những phương thức cũ sẽ kém hiệu quả.
Bởi vậy, công nghệ thông tin và những tiến bộ về công nghệ sẽ được ứng dụng rộng rãi trong công tác quản trị vốn của Ủy ban. Cụ thể, các doanh nghiệp chuyển giao về Ủy ban sẽ chia thành 4 nhóm ngành và có bộ chỉ số chung, mỗi ngành lại có bộ chỉ số riêng và có chỉ số cho từng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kết nối vào hệ thống này sẽ cập nhật dữ liệu theo thời gian thực, giúp Ủy ban có số liệu nhanh, chính xác về hoạt động của doanh nghiệp, mà không bị phụ thuộc vào thời gian báo cáo của doanh nghiệp...
Hệ thống giúp Ủy ban theo dõi sát sao các chỉ số như tổng tài sản, nguồn vốn, lao động, người đại diện vốn ở doanh nghiệp. Các dữ liệu thuộc 6 nhóm vấn đề về doanh nghiệp sẽ được cập nhật, bao gồm tài chính, kinh doanh, đầu tư dự án, lao động và tiền lương, quản trị, tái cơ cấu doanh nghiệp.
Từ mỗi doanh nghiệp hạt nhân, dữ liệu chung sẽ được tổng hợp cho phép cơ quan quản lý vốn nắm bắt được bức tranh cụ thể về danh mục vốn giao cho Ủy ban đang biến động như thế nào, trên nhiều yếu tố đo lường như tổng tài sản, nguồn vốn, vay nợ, hiệu quả hoạt động...
Hệ thống tự động tính toán ra các chỉ số và được so sánh, đối chiếu với những ngưỡng an toàn, tạo ra ngưỡng cảnh báo với lãnh đạo doanh nghiệp. Chỉ số này dựa trên so sánh với các dữ liệu trung bình của ngành, với kế hoạch đã được giao cho doanh nghiệp và với cả các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp...
Khi chỉ số xuất hiện ở ngưỡng cảnh báo, người quản trị doanh nghiệp sẽ được khuyến nghị để tập trung rà soát lại hoạt động doanh nghiệp.
Cơ quan đại diện vốn sẽ không dừng ở việc cảnh báo doanh nghiệp, mà thông qua công cụ giám sát doanh nghiệp này, sẽ có những căn cứ để ra văn bản chỉ đạo doanh nghiệp khắc phục. Nếu các chỉ số tiếp tục không được cải thiện, sẽ có công cụ để xử lý giám sát người đại diện vốn và lãnh đạo doanh nghiệp.
Một biện pháp được đánh giá sẽ hữu ích trong việc quản trị vốn nhà nước là yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn OECD (có điều chỉnh theo các điều kiện đặc thù của Việt Nam).
Hệ thống giám sát doanh nghiệp sẽ đo lường và chỉ ra tại doanh nghiệp còn có những lĩnh vực, những mảng hoạt động nào chưa theo thông lệ quản trị tốt như thiếu kiểm soát viên, chưa thiết lập các ủy ban chuyên trách trực thuộc Hội đồng thành viên...
Tổng hợp trên nhiều dữ liệu về doanh nghiệp, một bản khuyến nghị dành cho lãnh đạo doanh nghiệp sẽ được đưa ra để làm công cụ tham khảo cho doanh nghiệp nhằm mục tiêu cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
“Quan điểm của Ủy ban là quản lý hiệu quả đồng vốn nhà nước, không can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, nhưng luôn giám sát chặt chẽ, kịp thời”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết.