Dự án Luật sửa đổi 4 luật về đầu tư được kỳ vọng sẽ tháo gỡ hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư công, đầu tư tư và đấu thầu (Ảnh minh hoạ)
Chiều nay (4/10), Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức buổi Toạ đàm trao đổi ý kiến chuyên gia về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu (gọi tắt là 1 luật sửa 4 luật về đầu tư).
Buổi toạ đàm được tổ chức để Uỷ ban Kinh tế chuẩn bị thẩm tra dự án Luật nói trên trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp trong tháng 10/2024 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc ngày 21/10 tới.
Giới thiệu dự án Luật nói trên, ông Nguyễn Đình Việt, Phó chủ tịch thường trực, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, cần thiết phải sửa đổi 4 luật liên quan đến đầu tư do quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư và đấu thầu trong thực tiễn đã có một số vướng mắc, khó khăn cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, quan điểm sửa đổi luật lần này là tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật có mâu thuẫn, đang gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Theo Tờ trình do Chính phủ trình, Dự thảo Luật gồm có 6 Điều, trong đó: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Điều 2: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư; Điều 3: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Điều 4: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Điều 5: Hiệu lực thi hành; Điều 6: Điều khoản chuyển tiếp.
Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ tịch thường trực, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội giới thiệu dự án 1 luật sửa 4 luật về đầu tư chiều 4/10 (Ảnh: M.Minh) |
Về nội dung cụ thể, dự thảo Luật cụ thể hoá 9 nhóm chính sách lớn trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch: Luật hướng tới hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; kinh phí cho hoạt động quy hoạch; thống nhất các khái niệm, thuật ngữ với quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quy trình, nội dung quy hoạch; kế hoạch thực hiện và điều chỉnh quy hoạch, chế độ báo cáo, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Đáng chú ý, Luật mới quy định cụ thể 04 trường hợp được điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn, bao gồm: a) Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính và các dự án quan trọng quốc gia làm thay đổi một số nội dung quy hoạch; b) Quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn; c) Quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp; d) Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm thay đổi phân kỳ thực hiện, thông số, thông tin của công trình, dự án đã được xác định tại quy hoạch.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư: Có một số điểm mới đáng chú ý sau:
Nhằm tăng cường phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, hạn chế số lượng các dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Luật quy định phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt.
Luật mới cũng phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ các dự án đầu tư thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới. Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án tại khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.
Dự án Luật cũng đề xuất Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bổ sung quy định thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế liên quan đến dự án đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), dự án đầu tư công nghệ bán dẫn và đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ...
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP):
Dự án Luật hướng đến sửa đổi, bổ sung các quy định về lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP nhằm mở rộng, đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Cụ thể là: không hạn chế các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP (trừ các dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội); Bãi bỏ hạn mức quy mô tối thiểu đối với các dự án PPP;
Toàn cảnh buổi Toạ đàm |
Giao trách nhiệm cho Bộ, ngành và địa phương trong việc lựa chọn dự án có tính khả thi, đủ điều kiện để áp dụng phương thức PPP, như: có quy mô phù hợp và có khả năng tạo nguồn thu cho nhà đầu tư;
Tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng này.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu
Dự án Luật cho phép chủ đầu tư được thực hiện trước toàn bộ các hoạt động lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt; Cho phép ký kết hợp đồng thương mại trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài và sau khi dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư.
Các gói thầu được thực hiện trước một số hoạt động trong 02 trường hợp nêu trên, gồm: Gói thầu mua sắm hàng hóa đã xác định rõ phạm vi cung cấp, yêu cầu kỹ thuật; Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng, kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ, quy hoạch, tái định cư; Gói thầu tư vấn quản lý dự án cho các phần công việc thực hiện sau khi dự án được phê duyệt, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công; Gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài có yêu cầu đấu thầu trước theo quy định ràng buộc của nhà tài trợ.
Ngoài ra, chủ đầu tư có thể hình thành gói thầu bao gồm một hoặc một số công việc như khảo sát xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập quy hoạch chi tiết xây dựng, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công để tổ chức lựa chọn nhà thầu mà không phải chia thành nhiều gói thầu riêng biệt...
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu dự kiến sẽ được trình Quốc hội khoá XV xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (khai mạc ngày 21/10 tới) theo quy trình một kỳ họp và soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.