Ủy ban Kinh tế lưu ý nợ xấu BOT, nguy cơ bong bóng tài sản

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có nguy cơ bong bóng tài sản, thực chất nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém.
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội nhiệm kỳ mới (Ảnh Quochoi.vn).

Một phiên họp toàn thể của Quốc hội nhiệm kỳ mới (Ảnh Quochoi.vn).

Theo chương trình kỳ họp thứ nhất, sáng mai (22/7) Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021.

Chính sách hỗ trợ chậm, chưa đạt hiệu quả

Hoàn thành ngày 18/7, báo cáo của cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Kinh tế Quốc hội) đã được gửi đến các vị đại biểu.

Theo cơ quan thẩm tra, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự báo cả năm dưới 4%; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản.

Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề .

Đó là, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp , chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, một số quy định hướng dẫn thực hiện chưa sát với thực tế, một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện; do vậy cần được đánh giá kỹ hơn trong Báo cáo.

Việc tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được đặt ra rất cấp bách, Quốc hội đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 135/2020/QH14, tuy nhiên việc triển khai thực hiện chậm .

Ngày 7/7/2021, Tổng công ty Hàng không Việt Nam mới ký kết được hợp đồng tín dụng với ba ngân hàng là Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng. Việc chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam 8.000 tỷ đồng hiện mới đang được triển khai.

Vấn đề khác, theo cơ quan thẩm tra cũng cần phải đánh giá kỹ là trong bối cảnh khó khăn, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận cao. Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá rõ nguồn thu của các ngân hàng từ dịch vụ khác, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay, thu hồi nợ xấu và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng... để xem xét tính bền vững của tăng trưởng lợi nhuận.

Nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng trong quý I năm 2021 (tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 4/2021 là 1,78%, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%), dịch bệnh Covid-19 kéo dài có nguy cơ tác động xấu hơn đến khách hàng và khả năng trả nợ, tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng.

Mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn cho sản xuất kinh doanh. Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ , đồng thời đã bắt đầu xuất hiện doanh nghiệp có quy mô lớn rời bỏ thị trường, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp ngày càng suy giảm, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Uỷ ban Kinh tế còn lưu ý, mặc dù nợ xấu tín dụng của các dự án BOT, BT giao thông là 2.116 tỷ đồng, ở mức 1,95%, giảm so với cuối năm 2020 (ở mức 4,6%), tuy nhiên chưa phản ánh chất lượng nợ do nợ nhóm 2 là 5.912 tỷ đồng, chiếm 5,48% và hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính, các ngân hàng đã phải cơ cấu lại nợ đối với nhiều dự án, khả năng tiếp tục phát sinh nợ xấu trong thời gian tới là hiện hữu.

Bên cạnh đó, việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại, mặc dù được xác định rất cấp thiết nhưng quá trình thực hiện đang gặp những khó khăn, vướng mắc, ngoài Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đã được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước, 03 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khác đều đang tiến hành các thủ tục tăng vốn điều lệ theo quy định. Đối với 03 ngân hàng đã mua bắt buộc và ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á được kiểm soát đặc biệt, quá trình cơ cấu lại gặp nhiều khó khăn, chưa có phương án xử lý dứt điểm.

Nhấn mạnh thị trường bất động sản tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá về dòng vốn từ khu vực kinh tế phi chính thức cũng như dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô.

Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng cần phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian vừa qua với lãi suất cao (gấp gần 2 lần lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng), tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư .

Theo chương trình, chiều 22/7, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Tin bài liên quan