Ủy ban Kinh tế: Lo ngại lãi suất cao tác động dài hạn

Ủy ban Kinh tế: Lo ngại lãi suất cao tác động dài hạn

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội vừa cho ý kiến vào Báo cáo đánh giá bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và triển khai kế hoạch 2 tháng đầu năm 2016.


Về tình hình kinh tế cũng như sản xuất, kinh doanh trong 2 tháng đầu năm 2016, theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạc và Đầu tư, là tiếp tục có bước khởi sắc.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước; tổng phương tiện thanh toán, tổng số dư tiền gửi và hoạt động tín dụng của hoạt động ngân hàng; thu, chi ngân sách nhà nước; chỉ số phát triển công nghiệp; tổng mức hàng hoá bán lẻ và kinh doanh dịch vụ; hoạt động xuất-nhập khẩu; phát triển doanh nghiệp (kể cả số lượng và số vốn đăng ký)... so với cùng kỳ năm trước và so với cuối năm 2015 đều tăng trưởng, trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá ấn tượng.

“Đặc biệt là hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong 2 tháng đầu năm, FDI thực hiện đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2015; vốn đăng ký ước đạt 2,8 tỷ USD, bằng 240% cùng kỳ năm 2015”, ông Phương thông báo và cho biết thêm, trong 2 tháng đầu năm, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân ước đạt 275 triệu USD, tăng 8,7% so với 2 tháng đầu năm 2015.

TS. Trần Du Lịch, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế nhận định, tình hình phát triển kinh tế 2 tháng đầu năm diễn biến theo đúng dự báo. “Nếu không có gì thay đổi đột biến từ bên ngoài, thì hoạt động phát triển kinh tế sẽ “xuôi chèo mát mái” từ nay cho đến hết năm 2016”, ông Lịch lạc quan và cũng bày tỏ sự lo ngại, mọi diễn biến có thể xấu đi kể từ năm 2017 mà nguyên nhân nằm ở chỗ lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng quá cao.

Trong bối cảnh cạnh tranh, khi mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hàng hoá sản xuất ở nước ngoài được vay vốn với lãi suất thấp, giá thành hạ sẽ cạnh tranh quyết liệt với doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước khi có đến 90% hàng hoá nhập khẩu được hưởng thuế nhập khẩu 0% theo các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. “Chúng ta giảm lãi suất bằng cách nào?”, ông Lịch đặt câu hỏi.

“Chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 chỉ tăng 0,6%; so với một năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2016 chỉ tăng 1,27% trong khi doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất 9-10% thì làm sao mà chịu đựng nổi. Lạm phát thấp, lãi suất quá cao thì chẳng ai dám vay. Nếu tính trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh”, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lo ngại.

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, huy động vốn cao thì phải cho vay cao. Doanh nghiệp phải vay vốn cao khiến chi phí tăng, giá thành tăng, sức cạnh tranh giảm. Điều này khiến ông Lịch, ông Kiên và nhiều thành viên Uỷ ban Kinh tế hết sức lo ngại vì nền kinh tế đã mở cửa, một khi doanh nghiệp trong nước không đủ sức cạnh tranh thì nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào khu vực FDI.

“Phải tìm cách hạ lãi suất. Nhưng hạ bằng cách nào đây?”, ông Kiên bỏ lửng câu hỏi.

Để giải quyết bài toán lãi suất, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng đã đến lúc giải quyết bài toán lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Hướng giải quyết bài toán này, theo ông Kiên là nếu lạm phát dưới 3% thì hoàn toàn yên tâm, không quá quan tâm tới vấn đề kiểm soát lạm phát, thay vào đó tập trung vào nới lỏng chính sách tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất hợp lý. Nếu CPI tăng từ 3-7% thì giải quyết bài toán lạm phát và tăng trưởng kinh tế hài hoà, ngược lại, nếu lạm phát từ 7% trở lên thì phải ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, thậm chí là tập trung kiềm chế lạm phát nếu lạm phát tăng ở mức 2 con số.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (cuối năm 2015), Chính phủ báo cáo, trong số 14 chỉ tiêu đã được giao, năm 2015 dự kiến đạt 13 chỉ tiêu. Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Thế Phương cho biết, thực tế năm 2015 ngoài chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng, còn có thêm chỉ tiêu là tăng trưởng xuất khẩu không đạt kế hoạch.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 chỉ đạt 162,1 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2014, thấp hơn con số đã báo cáo với Quốc hội cũng như mục tiêu đặt ra là tăng khoảng 10%.

Lý giải về việc không đạt được mục tiêu quan trọng  này, ông Phương cho rằng, sự giảm sút tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là do giá dầu thô giảm 47% làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm 3,4 tỷ USD; giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cafe, cao su, thuỷ sản giảm khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 2,4 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu giảm trong khi kim ngạch nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh (tăng 12%) khiến nhập siêu tăng cao hơn dự báo. Năm 2015, theo con số mới nhất được ông Phương công bố là nhập siêu tương đương 2,2% kim ngạch xuất khẩu, tức là vào khoảng 3,54 tỷ USD.

Ngoài tỷ lệ che phủ rừng và hoạt động xuất khẩu, năm 2015, theo ông Phương các chỉ tiêu phát triển kinh tế còn lại đạt kết quả khá ấn tượng như hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có bước phát triển tích cực thể hiện số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký tăng mạnh; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động tăng tới gần 40% - trái ngược với xu hướng giải thể, phá sản, đóng cửa, ngừng hoạt động. Sức mua và tổng cầu; sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, thu ngân sách nhà nước... năm 2015 cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tin bài liên quan