Sau khi lãnh đạo PVC gây thua lỗ lớn, ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch PVC đã được luân chuyển về Bộ Công Thương.
Trọng tâm làm việc sẽ không chỉ dừng lại ở các trường hợp bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, ông Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng), thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Rượu bia và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mà còn bao gồm cả việc bổ nhiệm một số nhân sự quan trọng tại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ như: ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần rượu bia và Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Mai Văn Lợi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công tỷ Cổ phần Rượu Hà Nội (Halico)...và một số nhân sự khác.
“Thời gian kiểm tra trong vòng 60 ngày. Quá trình làm việc cũng sẽ xem xét trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng, Nguyên Bộ trưởng, Bí thư Đảng bộ Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng”, nguồn tin cho biết.
Được biết, ông Vũ Huy Hoàng, ông Trịnh Xuân Thanh cũng được mời về Bộ Công Thương để làm việc với đoàn kiểm tra.
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhân sự tại Bộ Công Thương cũng tạo nhiều dư luận không tốt. Mới đây nhất, Ủy ban kiểm tra Trung ương công bố kết luận về các sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, tỉnh uỷ viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - người từng có nhiều năm công tác tại Bộ Công Thương với nhiều vị trí khác nhau.
Ông Thanh đã từng là Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc PVN từ tháng 2/2009 đến tháng 5/2013 trước khi được điều động về Bộ Công Thương làm Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng vào tháng 9/2013.
Tuy nhiên, một số ý kiến gần đây cho thấy, trong việc thuyên chuyển ông Thanh từ Bộ Công Thương vào làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, ông Vũ Huy Hoàng chỉ có một phần trách nhiệm. Tại một cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh được chuyển đi phải có sự đồng ý của Ban Tổ chức Trung ương. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, vụ việc ông Thanh còn có nhiều vấn đề phải xử lý.
Liên quan tới việc bổ nhiệm nhân sự tại Bộ Công Thương, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) từng nhiều lần kiến nghị về việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải là thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bia Rượu NGK Sài Gòn (Sabeco). Ông Vũ Quang Hải còn được biết đến là con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Theo VAFI, trước khi được bổ nhiệm vào các chức vụ trên, ông Vũ Quang Hải “dù không có thành tích gì đặc biệt” cũng đã từng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Dầu khí (PVFI) vào năm 2011 - khi ông mới 25 tuổi. Trong 2 năm ông Hải làm Tổng giám đốc tại đây, PVFI lỗ lần lượt 155 tỷ đồng vào năm 2011 và 67 tỷ đồng vào năm 2012, trong khi vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng (tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, ông Hải không phải chịu trách nhiệm việc này do PVFI đã lỗ từ thời kỳ trước đó). Sau đó, ông Hải được điều động về Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) với chức danh Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu.
Sau đó, với một quyết định do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa ký - ông Hải tiếp tục được Bộ Công Thương giới thiệu về Sabeco với vai trò đại diện phần vốn Nhà nước, thành viên Hội đồng Quản trị, kiêm Phó tổng giám đốc.
Một quyết định khó hiểu khác cũng được VAFI đề cập đó là việc bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà, Chánh văn phòng Bộ Công Thương, trước đó là thư ký của ông Vũ Huy Hoàng về làm Chủ tịch HĐQT Sabeco. Ông Hà chủ yếu làm công tác hành chính và chưa từng kinh qua chức vụ nào về quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Trao đổi với Dân trí mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, trước mắt, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào giải quyết những tồn tại công tác cán bộ.
Khi được hỏi có hay không "vùng cấm" khi xử lý, Bộ trưởng cho hay: "Luật pháp có những quy định, Đảng cũng có những nguyên tắc chung trong công tác cán bộ. Đặc biệt trong bối cảnh vừa rồi, đã có những chỉ đạo, quan điểm rất rõ ràng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hơn thế nữa có sự quan tâm chung của xã hội, thì đối với bất kỳ một ai, cho dù đó là người lãnh đạo cao nhất của một ngành, hay là cán bộ khác trong ngành, tôi nghĩ đều phải đặt nhận thức, ý thức trách nhiệm của mình trước luật pháp, trước Đảng, trước nhân dân lên cao nhất".
Trước đó, Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ giai đoạn 2016 - 2021; tập trung xử lý tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất để công tác tại các đơn vị trong Bộ cũng như đội ngũ cán bộ tham gia công tác tại các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
"Nguyên tắc dân chủ, công khai nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, có trình độ, có kỷ cương, lấy nhân dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ và coi trọng tương tác với doanh nghiệp và người dân”, báo cáo của Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đánh giá về công tác nhân sự của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác cán bộ tại Bộ Công Thương còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành.
Trong khi đó, bộ máy cán bộ của Bộ Công Thương cũng được Thủ tướng đánh giá là cồng kềnh và cần phải tái cơ cấu. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần phải tái cơ cấu ngay bộ máy lên tới hàng vạn người từ 30 Cục, Vụ, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...