Việc UBCK vừa có công văn nhắc nhở các công ty đại chúng (CTĐC) nâng cao ý thức tuân thủ Thông tư 52/2012 về nghĩa vụ BC, CBTT, có phải do các hành vi vi phạm này đang diễn ra phổ biến, đáng báo động, thưa bà?
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2013/NĐ-CP (thay thế Nghị định 85), có hiệu lực từ 15/11/2013. Tại nghị định này, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về BC, CBTT đã được nâng lên cao hơn so với mức phạt quy định tại Nghị định 85. Do vậy, cần thiết phải có sự tuyên truyền, phổ biến tới các đối tượng tham gia thị trường là các CTĐC, cổ đông nội bộ, cổ đông lớn trong CTĐC để các đối tượng này nắm được quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Mặt khác, hoạt động thanh tra, giám sát cho thấy, hiện vẫn còn tình trạng CTĐC, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ vi phạm các quy định về nghĩa vụ BC, CBTT.
Với mục tiêu giảm thiểu các vi phạm trên thị trường, đặc biệt là các trường hợp vi phạm do vô tình, thiếu hiểu biết pháp luật về chứng khoán và TTCK, thông qua việc gửi công văn tới các công ty đại chúng, UBCK nhắc nhở, yêu cầu các CTĐC cũng như các đối tượng là cổ đông nội bộ, cổ đông lớn trong CTĐC nghiêm túc tuân thủ quy định, tránh để bị áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định tại Nghị định 108.
Các hành vi vi phạm về BC, CBTT như bà vừa nêu, có phải phần nhiều do cố tình, nhằm mục đích vụ lợi, hay do CTĐC, cổ đông nội bộ, cổ đông lớn vô tình hoặc chưa nắm chắc các quy định pháp lý?
Qua tổng hợp kết quả xử lý các hành vi vi phạm về BC, CBTT của đối tượng là cổ đông nội bộ và người có liên quan của tổ chức niêm yết, các trường hợp vi phạm chủ yếu là lần đầu, trường hợp tái phạm rất ít, vi phạm với khối lượng nhỏ và vi phạm của đối tượng là người có liên quan chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng số vi phạm.
Nguyên nhân vi phạm, theo giải trình từ phía đối tượng vi phạm, phần lớn vẫn là do thiếu hiểu biết, không nắm được quy định pháp luật về chứng khoán và TTCK. Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng vi phạm giải trình có nắm được quy định pháp luật nhưng do bận đi công tác, nên “quên” thực hiện BC, CBTT theo quy định. Điều này cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật về chứng khoán và TTCK của các đối tượng tham gia thị trường chưa cao, dẫn tới vi phạm nghĩa vụ BC, CBTT. Đối với các CTĐC, nguyên nhân theo giải trình từ phía các doanh nghiệp này chủ yếu là do không nắm kỹ các quy định về nghĩa vụ BC, CBTT và do tình hình kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, doanh nghiệp tập trung sản xuất, thu hẹp nhân sự nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ BC, CBTT.
Vậy trong quá trình xử lý vi phạm, UBCK có áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với các trường hợp vi phạm lần đầu, vi phạm do vô tình, ngược lại có áp dụng các tình tiết tăng nặng khi xử phạt các hành vi vi phạm do cố ý, có động cơ trục lợi, để tăng tính răn đe, thưa bà?
Việc xem xét tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính là một trong các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc UBCK buộc phải tiến hành các biện pháp xử phạt, nhất là các chế tài xử lý tăng nặng chỉ là giải pháp cuối cùng. Điều UBCK mong muốn đó là các đối tượng tham gia thị trường tích cực, chủ động nắm bắt các quy định pháp lý, coi trọng việc nâng cao ý thức, tự giác chấp hành pháp luật về chứng khoán và TTCK.
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp trên mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn cổ đông, cũng như TTCK. Về phía doanh nghiệp, việc tự giác chấp hành nghĩa vụ CBTT, giúp cho hoạt động của doanh nghiệp minh bạch hơn. Đối với TTCK, việc CTĐC, cổ đông nội bộ, cổ đông lớn tự giác, nâng cao ý thức tuân thủ nghĩa vụ BC, CBTT, sẽ góp phần gia tăng tính minh bạch, công bằng cho thị trường.
Ngoài các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm nhằm tăng tính răn đe, UBCK còn triển khai các giải pháp nào khác nhằm ngăn ngừa tình trạng này?
UBCK đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, để hỗ trợ các CTĐC, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ nắm bắt rõ hơn các quy định pháp lý, tự giác nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về BC, CBTT chính xác, kịp thời về các loại thông tin phải công bố, đảm bảo CBTT đầy đủ qua các phương tiện và hình thức theo quy định. Khi CBTT phải đồng thời báo cáo UBCK về nội dung thông tin công bố. CTĐC cần chú trọng phổ biến tới cổ đông nội bộ và yêu cầu họ tuân thủ quy định về nghĩa vụ BC, CBTT khi thực hiện giao dịch chứng khoán.