Ủy ban Chứng khoán thúc đẩy giải pháp ký quỹ trước giao dịch

Ủy ban Chứng khoán thúc đẩy giải pháp ký quỹ trước giao dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 5/12, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp, cơ quan liên quan để trao đổi giải pháp liên quan đến nội dung ký quỹ trước giao dịch.

Đây là một trong hai nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới, bên cạnh giới hạn sở hữu nước ngoài.

Hiện nay, Thông tư 120 của Bộ Tài chính quy định đối với các nhà đầu tư nước ngoài, các giao dịch đang được vận hành theo mô hình "pre-funded market", tức là chỉ được đặt lệnh mua/bán khi đã ký quỹ đủ 100% tiền/chứng khoán trên tài khoản giao dịch.

Thực tế, chứng khoán/tiền của giao dịch ngay sau khi được khớp lệnh đã trở thành phần tài sản đảm bảo cho giao dịch. Vì vậy, việc yêu cầu phải ký quỹ 100% bằng tiền ngay tại thời điểm đặt lệnh giao dịch là trở ngại lớn đối với hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư ngoại và hạn chế tính thanh khoản của thị trường nói chung.

Theo thống kê, đại đa số thị trường không yêu cầu ký quỹ trước khi thực hiện giao dịch. Thay vào đó, họ chỉ cần có đủ số dư tiền/chứng khoán tại một thời điểm trước khi thực hiện thanh toán giao dịch T+2, và sử dụng những công cụ quản lý rủi ro khác.

Các công cụ này có thể là thanh toán một phần, pre-funding một phần, vay và cho vay chứng khoán, mua vào/bán ra, mô hình đối tác bù trừ trung tâm, quỹ thanh toán và quỹ dự phòng, sử dụng tài sản đảm bảo nhằm giảm thiểu rủi ro thanh toán trên thị trường mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, có thể cho phép CTCK cấp margin dựa trên tài sản đảm bảo của nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ chiết khấu trong phạm vi kiểm soát rủi ro. Nếu tài sản đảm bảo ở ngân hàng lưu ký thì công ty chứng khoán, khách hàng và ngân hàng lưu ký phải có sự thống nhất về định giá và quản lý tài sản.

Trải qua hơn 20 năm hình thành phát triển, nhu cầu nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên cấp thiết trong bối cảnh sự phát triển của thị trường vốn được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế.

Đồng thời, nâng hạng thành công cũng là bước đệm để đón nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp khác như quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí.

Tin bài liên quan