Ưu tiên vốn cho dự án giao thông động lực, kết nối liên vùng

0:00 / 0:00
0:00
Do vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chỉ đáp ứng khoảng 54,7% nhu cầu, nên Bộ GTVT sẽ phải ưu tiên cho một số ít dự án mới có tính động lực và kết nối liên vùng.
Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45A. Ảnh: A.M

Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45A. Ảnh: A.M

Cân lên, đặt xuống

“Chúng tôi đã, đang bám sát các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT để tiếp tục giải trình, làm rõ các thông tin tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự kiến sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”, ông Lê Minh Nam, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết.

Được biết, Dự án Xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai nằm trong danh mục 66 dự án khởi công mới được Bộ GTVT ưu tiên nhận vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Với chiều dài tuyến khoảng 83 km, quy mô xây dựng giai đoạn I theo tiêu chuẩn đường cao tốc hạn chế, quy mô 2 làn xe, dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 8.607 tỷ đồng.

“Công trình này khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng kết nối giữa các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Hà Giang và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và kết nối Tiểu vùng sông Mekong”, ông Nam cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, Bộ GTVT đã phải “cân lên, đặt xuống” nhiều lần trước khi đưa dự án trên vào danh mục dự án khởi công mới sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Do nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến phân bổ cho các dự án hạ tầng giao thông tiếp tục khó khăn, chỉ đạt 54,7% nhu cầu (252.694/462.031 tỷ đồng), nên Bộ GTVT đã phải điều chỉnh lại một số mục tiêu đầu tư để ưu tiên nguồn lực cho các dự án thực sự cấp thiết, có tác động lan tỏa cao.

Cụ thể, Bộ GTVT đã rà soát, điều chỉnh danh mục dự án khởi công mới từ 82 dự án xuống còn 66 dự án, giảm 16 dự án (20%). Danh mục đầu tư mới của ngành GTVT hiện tập trung chủ yếu vào các dự án quan trọng quốc gia, các dự án động lực, kết nối liên vùng, như đường bộ cao tốc Bắc - Nam; các tuyến cao tốc có nhu cầu cao; các tuyến luồng hàng hải quan trọng, đường sắt Bắc - Nam; Cảng hàng không Côn Đảo; nâng tĩnh không cầu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia; dự án logistics khu vực phía Nam; các hành lang Đông - Tây kết nối khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên; cầu Rạch Miễu 2; cầu Đại Ngãi và các dự án công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

“Các dự án được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí là công trình động lực quan trọng của quốc gia, quy mô lớn, kết nối liên vùng và phải khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Tăng tốc chuẩn bị dự án

Một lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tính đến thời điểm này, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho ngành GTVT đã hoàn thiện để tổng hợp báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, đối với nguồn vốn trong nước trị giá 221. 427,8 tỷ đồng dự kiến phân bổ cho ngành GTVT giai đoạn 2021 - 2025, có tới 123.828 tỷ đồng thuộc các nhiệm vụ chi phải bố trí đủ để trả nợ đọng xây dựng cơ bản; thu hồi vốn ứng trước kế hoạch; thanh toán theo hợp đồng cho các dự án BT trong giai đoạn 2021 - 2025; hoàn thành các dự án, nhiệm vụ chuyển tiếp.

Đặc biệt, trong số kinh phí bắt buộc phải bố trí đủ mà ngành GTVT đề xuất, có 3.468 tỷ đồng dùng để thanh toán phần vốn cam kết hỗ trợ các dự án BOT và hoàn trả vốn cho các địa phương, doanh nghiệp đã ứng thực hiện và 60.622 tỷ đồng để hoàn thành 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang hoàn chỉnh Đề án Thực hiện xây dựng 5.000 km đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 để báo cáo Chính phủ và trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

“Phần vốn ngân sách hỗ trợ thực hiện các dự án đường cao tốc theo phương thức PPP nói trên sẽ được chuẩn xác sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngay từ trước khi kết thúc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo triển khai sớm công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công, việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án phải căn cứ tổng mức vốn đầu tư công dự kiến trong kỳ trung hạn (khoản 2, Điều 55, Luật Đầu tư công). Tới ngày 2/4/2021, Thủ tướng Chính phủ có thông báo dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 tại Văn bản số 419/TTgKTTH để làm cơ sở trình, duyệt chủ trương đầu tư các dự án.

Hiện nay, căn cứ thông báo tổng mức vốn trung hạn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm B theo thẩm quyền, hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến đường bộ cao tốc khác) và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A.

“Bộ GTVT sẽ nỗ lực tối đa đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị và thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật”, lãnh đạo Bộ GTVT cam kết.

Đối với phần vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới trong kỳ trị giá 97.599 tỷ đồng, Bộ GTVT dành phần lớn vốn (65.458 tỷ đồng) cho 16 dự án đường bộ cao tốc là các dự án quan trọng quốc gia, dự án động lực, kết nối liên vùng.

Dự kiến, Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được ưu tiên phân bổ 37.159 tỷ đồng là phần vốn nhà nước hỗ trợ Dự án. Trong khi đó, 15 dự án cao tốc khác dự kiến được phân bổ 28.299 tỷ đồng.

Tin bài liên quan