Giá xăng dầu giảm đang là vấn đề trung tâm chi phối các chính sách điều hành của Chính phủ

Giá xăng dầu giảm đang là vấn đề trung tâm chi phối các chính sách điều hành của Chính phủ

Ưu tiên gỡ khó cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Cùng với tập trung giảm thiểu tác động tiêu cực của giá dầu thế giới giảm, tăng tổng cầu cho nền kinh tế, gỡ khó cho DN là một trong ba ưu tiên đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2%, lạm phát khoảng 5% đề ra cho năm nay.

“Phải có tiến bộ vượt bậc về cải thiện môi trường kinh doanh…”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015 vừa diễn ra. Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN; cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện… “Các Bộ trưởng phải chỉ đạo quyết liệt vấn đề này”, Thủ tướng yêu cầu, để năm nay phải là năm có tiến bộ vượt bậc về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sức cạnh tranh, môi trường kinh doanh để nước ta không chỉ ngang bằng các nước ASEAN 6 mà phải vượt lên và đây chính là góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015 vừa diễn ra, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, sở dĩ vấn đề gỡ khó cho DN được Thủ tướng nhấn mạnh, bởi hiện tình hình sản xuất - kinh doanh của DN còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Một vấn đề gây bức xúc trong DN hiện nay là tuy giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và xu hướng này ổn định trong thời gian dài, nhưng mức giảm giá trong nước vừa chậm, vừa chưa tương xứng, nên các DN được hưởng lợi chưa nhiều. Có tình trạng này phải chăng do còn độc quyền trong nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu?

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, việc điều hành giá xăng dầu đang theo cơ chế thị trường, bám khá sát diễn biến giá thế giới.

Tuy nhiên, giá xăng dầu chưa giảm mạnh tương đương như mặt bằng giá thế giới, do điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng này để góp phần bù đắp cho giảm thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô. Hiện cả nước có 19 DN đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, nên không có chuyện độc quyền.

Cũng nằm trong nhóm giải pháp gỡ khó cho DN, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, ông Nên cho biết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xử lý  nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đưa nợ xấu về mức 3%; tạo thuận lợi cho DN vay vốn...

Để gia tăng dư địa mới cho DN phát triển, một giải pháp trọng tâm khác cũng được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm nay là tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, gồm tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. 

Giảm thiểu tác động tiêu cực của giá dầu giảm

Giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm mạnh xuống 44,41 USD/thùng (ngày 29/1/2015) và có thể xuống 42 USD/thùng trong quý I/2015, đang là vấn đề trung tâm chi phối các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Dự báo, giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng.

Ông Nên cho biết, khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015, Thủ tướng nhấn mạnh: “Theo tính toán tổng hợp, giá dầu giảm có lợi nhiều hơn có hại…”. Ở chiều tích cực, vì giá xăng dầu nhập khẩu giảm khá mạnh, nên sẽ giảm chi phí đầu vào cho nhiều ngành kinh tế. Điều này sẽ giúp DN giảm thêm chi phí hoạt động, cải thiện hiệu quả kinh doanh, qua đó, gia tăng khả năng đóng góp vào nguồn thu ngân sách, để bù đắp cho phần giảm thu do xuất khẩu dầu thô giảm. Ở chiều tác động tiêu cực, giá dầu giảm sẽ gây khó cho hoạt động của ngành dầu khí và hoạt động thu ngân sách.

“Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đánh giá về diễn biến, tác động của giá dầu thô thế giới đến nền kinh tế trong nước. Các ý kiến nhận định giá dầu giảm có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, trên cơ sở tính toán, sản lượng khai thác dầu thô sẽ không giảm so với kế hoạch…”, ông Nên cho hay. Do đó, bài toán cân đối thu ngân sách tuy chịu sức ép, nhưng sẽ vẫn được đảm bảo theo các chỉ tiêu Quốc hội đã phê duyệt.  

Tin bài liên quan