Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng. Trong ảnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn chuẩn bị kỳ họp thứ 2.
Xử lý vướng mắc Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sáng ngày 18/8, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp thứ 2 dự kiến Quốc hội làm việc 17 ngày, khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc ngày 10/11/2021.
Ông Cường cũng đề xuất 2 phương án tổ chức kỳ họp.
Một là, họp trực tuyến cả kỳ.
Hai là, họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội và chia thành 2 đợt (dịch bệnh đã được kiểm soát tốt mới về họp tập trung).
Về nội dung, trong công tác xây dựng luật, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, dự thảo Nghị quyết về định hướng công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến 5 dự án: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Với các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
Nội dung được đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp cuối năm còn có Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch Sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Đây là vấn đề khá hóc búa, từ nhiệm kỳ khóa XIV, một số đại biểu đã lên tiếng cần tháo gỡ để giảm thiệt hại cho nền kinh tế.
Tại kỳ họp cuối năm 2020 của Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIV, ông Trần Quang Chiểu cho biết, Ủy ban đã giám sát và gửi kết quả đến Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng. Kết quả giám sát cho thấy, sau khi bù trừ tiền thuế, phí thuê đất… số tiền phải bỏ ra, trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm khi nhà máy vận hành thương mại là 36.700 tỷ đồng với giá dầu 50 USD/thùng, lên 47.800 tỷ đồng nếu giá dầu lên 60 USD/thùng và lên tới 88.100 tỷ đồng nếu giá dầu là 100 USD/thùng.
Ngoài số tiền thiệt hại nêu trên, còn 3 nội dung ưu đãi trái quy định của pháp luật, bao gồm áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp toàn bộ đời dự án, giảm 50% với thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ làm việc tại dự án và trong bất cứ điều kiện nào của thị trường Việt Nam vẫn phải tiêu thụ 100% xăng dầu sản xuất ra. Với 3 cam kết trên thì số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia lên tới hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí là hàng chục ngàn tỷ đồng.
Vẫn cần chất vấn
Từ kỳ họp thứ 2, theo thông lệ, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với thành viên Chính phủ.
Thời gian dành cho hoạt động này chưa được ấn định, song theo thông lệ của nhiệm kỳ trước là từ 2,5 đến 3 ngày, với 4 - 5 thành viên Chính phủ được chọn để trả lời chất vấn trực tiếp. Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn trực tiếp ở mỗi kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Tuy nhiên, kỳ họp giữa năm 2020, Quốc hội khóa XIV cũng đã quyết định không tiến hành chất vấn để Chính phủ tập trung chống dịch.
Với kỳ họp sắp tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, nếu Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Quốc hội không nên tổ chức chất vấn để các bộ trưởng tập trung chống dịch. “Tùy theo diễn biến của dịch bệnh, chúng ta cân nhắc để ưu tiên cho chống dịch nhiều hơn”, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị.
Từ góc nhìn khác, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, vẫn phải chất vấn, vì đây là nội dung được nhân dân mong đợi. “Bộ trưởng Bộ Y tế bận thì thôi, những bộ trưởng nào chống dịch bận thì thôi, ta chọn bộ trưởng không bận mà chất vấn. Chất vấn phải bố trí để trực tiếp”, ông Định nêu quan điểm.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sẽ tính toán thêm về hoạt động chất vấn và trả lời chất xem nội dung thế nào, ai là người trả lời chất vấn.
“Đây là hoạt động bình thường của Quốc hội, chúng ta tích cực chuẩn bị, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, bức xúc hiện nay, những vấn đề đại sự hiện nay mà cử tri quan tâm, không lấy lý do bận thế nọ, thế kia để không tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung này sẽ quyết định sau vì còn liên quan đến kiến nghị, đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội kết luận.
Về cách thức tổ chức kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc sau 2 tháng nữa trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xây dựng vài phương án vừa bảo đảm thích nghi với điều kiện phòng chống dịch, vừa cải tiến hoạt động của Quốc hội, ưu tiên phương án vừa họp trực tuyến, vừa họp trực tiếp. “Từ nay đến tháng 10 mà kiểm soát dịch tốt thì có thể họp toàn phần trực tiếp, còn thời gian họp thì chưa chốt là bao nhiêu ngày”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Ông Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, kỳ họp thứ 2 phải tốt hơn kỳ họp thứ nhất. Nội dung trọng tâm của kỳ họp này là công tác lập pháp, xây dựng thể chế, phải hết sức coi trọng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công tác này.
Hoàn thiện pháp luật liên quan đến tình trạng khẩn cấp
Tổng hợp ý kiến, dư luận cử tri và nhân dân đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri ủng hộ Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được “quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19…”.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như hoạt động điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cử tri và nhân dân đề nghị Quốc hội cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến tình trạng khẩn cấp như: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; các quy định về tình trạng khẩn cấp… Bên cạnh việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền trên, đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần tăng cường các biện pháp giám sát, tránh xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời có cơ chế phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân đối với việc thực hiện này.