Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Hanoitourist.
Điểm đến an toàn, giá cạnh tranh và dịch vụ chuyên nghiệp được ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Hanoitourist đánh giá là 3 yếu tố hấp dẫn du khách quốc tế tới Việt Nam và cần ưu tiên cải thiện.
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Thủ tướng yêu cầu chưa đón khách quốc tế từ tháng 7 để đảm bảo an toàn. Song theo nhiều chuyên gia, Việt Nam vẫn cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết để ngay khi thích hợp có thể lập tức đón được du khách nước ngoài. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể mở cửa thị trường du lịch nội địa suốt hơn 2 tháng qua và phục hồi với tốc tộ rất tốt. Cùng với phục vụ du khách trong nước, thời gian qua, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, điểm đến đã tự làm mới cảnh quan, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ, nghiên cứu các sản phẩm mới để thu hút du khách quốc tế ngay khi có điều kiện.
Trong bối cảnh bình thường mới, để đạt được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, chúng ta không thể đợi đến lúc thế giới khống chế hoàn toàn được dịch bệnh mới mở cửa đón khách quốc tế. Lúc đó sẽ quá muộn và lỡ mất nhiều cơ hội. Bởi, doanh thu từ hơn 18 triệu lượt khách quốc tế chiếm tới 55% tổng doanh thu của du lịch Việt Nam trong năm 2019.
Tuy nhiên, khi mở lại các đường bay, cần chọn những điểm đến, thị trường an toàn để kết nối lại. Theo tôi, việc đầu tiên chúng ta phải làm là phối hợp với các ban, ngành, đơn vị có liên quan để tìm ra giải pháp an toàn nhất cho người dân và du khách. Đây cũng là yếu tố tiên quyết trong việc kết nối lại các đường bay quốc tế.
Ngành du lịch cần liên kết chặt chẽ với ngành y tế để Việt Nam có thể đón khách quốc tế an toàn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Khi mở lại các đường bay quốc tế, cần áp dụng ngay các giải pháp đảm bảo an toàn như ưu tiên khai thác các chuyến bay thẳng; miễn visa du lịch; yêu cầu du khách khai báo, đo thân nhiệt, xét nghiệm y tế... Trong quy trình đón, cần đảm bảo các tiêu chí an toàn.
Theo ông, những thị trường quốc tế nào có thể sớm hồi phục trong thời gian tới?
Theo tôi, những thị trường có mức độ dịch an toàn, đường bay ngắn như thị trường Đông Nam Á, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ hồi phục trước.
Du lịch Việt Nam có lợi thế gì và làm thế nào để chúng ta tận dụng được những “điểm cộng” đó để hấp dẫn du khách quốc tế, thưa ông?
Việt Nam đang nổi lên là điểm đến an toàn, không chỉ trong công tác phòng, chống dịch bệnh, mà còn an toàn về an ninh. Chúng ta đang phục hồi du lịch nội địa rất tốt, nên việc tiến tới kết nối lại các đường bay quốc tế sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Mặt khác, trong thời gian “ngủ đông” do Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, điểm đến đã tự làm mới, nâng cao chất lượng, nên khi du lịch quốc tế phục hồi trở lại, du lịch Việt Nam đã mang diện mạo hoàn toàn mới.
Sau Covid-19, chắc chắn, cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, vì nước nào cũng muốn thu hút khách quốc tế để vực dậy nền kinh tế du lịch. Để tận dụng tốt lợi thế này, Việt Nam cần có chiến lược tổng thể để xây dựng sản phẩm đặc trưng, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Chúng ta cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn. Đồng thời, cần chuẩn bị tốt dịch vụ, sản phẩm chất lượng, an toàn, hấp dẫn và tạo mọi điều kiện tốt nhất để du khách quốc tế dễ dàng tiếp cận, di chuyển tới các điểm đến của Việt Nam.
Với lợi thế hấp dẫn về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, con người, Việt Nam phải xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc sắc dựa trên nền tảng văn hóa đặc trưng và mức giá cạnh tranh để du khách quốc tế lựa chọn “mảnh đất hình chữ S”.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, từ cách đây hơn 2 tháng, Vietnam Airlines đã lập tổ chuyên trách của từng khu vực, thị trường, đường bay để chuẩn bị về nguồn lực, tổ bay, tiếp viên, chính sách thương mại... sẵn sàng khai thác trở lại các đường bay quốc tế ngay khi được Chính phủ cho phép.
Độ độc đáo của sản phẩm và giá cả là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với một số nước. Chúng ta phải chứng minh được rằng, số tiền mà du khách bỏ ra hoàn toàn tương xứng với những giá trị mà họ nhận lại. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, hàng không... phải liên kết chặt chẽ để tạo ra các sản phẩm đặc sắc, giá thành hợp lý, nhưng chất lượng không thay đổi để thu hút du khách.
3 yếu tố có thể hấp dẫn du khách quốc tế hiện nay là: điểm đến an toàn, giá cạnh tranh và dịch vụ chuyên nghiệp. Chúng ta cần ưu tiên cải thiện để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Lâu nay, visa luôn được coi là “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam, hẳn các doanh nghiệp lữ hành vẫn đang chờ đợi nhiều thay đổi từ chính sách này?
Chính sách visa là chính sách mang tính dài hạn, phụ thuộc quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia khác, nên cần có lộ trình. Tuy nhiên, để phát triển du lịch, cần miễn visa cho nhiều thị trường khách quốc tế hơn nữa, nhất là các thị trường có mức chi trả cao.
Từ ngày 1/7/2020, Chính phủ đã cho phép đơn giản hóa thủ tục visa điện tử, nhưng điều đó không có nghĩa là nới lỏng chính sách thị thực. Mặt khác, khi mở đường bay quốc tế, doanh nghiệp du lịch rất cần có những hướng dẫn, khuyến cáo từ các cơ quan chức năng về quy định trường hợp nào được cấp visa, trường hợp nào bị hạn chế cấp visa, hoặc bị từ chối cấp visa.
Sau khi mở cửa hàng không quốc tế, chúng tôi phải cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ, đối tác ở nước ngoài triển khai chương trình tour tới khách hàng. Du khách cũng cần chuẩn bị thời gian, tài chính để đi du lịch. Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng có kế hoạch dài hạn để triển khai hiệu quả tới đối tác và du khách quốc tế.