Các điều kiện nghiêm ngặt tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu

Các điều kiện nghiêm ngặt tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu

Ưu tiên bảo vệ nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo giới chuyên gia, các chính sách liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại đi theo hướng ưu tiên bảo vệ nhà đầu tư.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sơ cấp có 175 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 168.433 tỷ đồng và 12 đợt phát hành ra công chúng trị giá 14.586 tỷ đồng. Như vậy, phần lớn giá trị phát hành vẫn từ kênh phát hành riêng lẻ. Xét theo lĩnh vực, ngân hàng là nhóm doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất trên thị trường, chiếm gần 90% tổng giá trị phát hành.

Trên thị trường thứ cấp, tỷ trọng giao dịch thứ cấp tăng cao kể từ ngày hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung đi vào hoạt động. Cụ thể, giá trị TPDN giao dịch hàng tháng trên thị trường thứ cấp đạt bình quân hơn 60.000 tỷ đồng/tháng, dấu hiệu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư phần nào đã được khôi phục.

Tuy vậy, thị trường TPDN được giới phân tích nhìn nhận chưa thể quay lại mức tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 - 2021. Thứ nhất, sau giai đoạn kinh tế khó khăn, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp chậm trả gốc và lãi trái phiếu trong thời gian qua. Các doanh nghiệp ngoài ngân hàng sẽ cần thời gian để tái tạo dòng tiền, thanh toán các nghĩa vụ đáo hạn, đang quá hạn trái phiếu. Đó cũng là lý do để giải thích cho tỷ trọng về số lượng và giá trị phát hành TPDN ra công chúng chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số thương vụ và giá trị phát hành TPDN trên toàn thị trường (do điều kiện về sức khỏe tài chính khắt khe hơn, như hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm). Thứ hai, nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư lớn như ngân hàng, quỹ bảo hiểm và quỹ đầu tư đang bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư nghiêm ngặt.

Thêm vào đó, ba quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, gồm quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân, quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, hết thời hạn tạm ngưng từ đầu năm 2024 (theo quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP). Nghĩa là, các quy định về điều kiện phát hành TPDN cũng như nhà đầu tư cá nhân được tham gia mua TPDN (riêng lẻ) được áp dụng theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP, vốn được đánh giá là chặt chẽ hơn quy định trước kia.

Nhận định về diễn biến thị trường TPDN trong thời gian tới, ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, từ quý IV/2024, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ gia tăng mạnh. Nhóm doanh nghiệp bất động sản sẽ là nhóm có tỷ trọng đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm hơn 49% tổng giá trị trong hai quý cuối năm 2024 và năm 2025.

“Thị trường bất động sản mặc dù đã thoát qua vùng đáy nhưng vẫn ảm đạm. Chúng tôi dự báo hoạt động tái cơ cấu nợ và đàm phán gia hạn nợ thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Sơn nhận định.

Chuyên gia VNDIRECT cho rằng, trong dài hạn, cơ quan quản lý sẽ có các chính sách thúc đẩy phát triển hàng hóa trên thị trường TPDN, bao gồm việc chuẩn hóa các tiêu chí doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành cũng như rút ngắn thời gian cấp phép phát hành, bên cạnh những quy định pháp lý nhằm khuyến khích các nhà đầu tư có dòng vốn lớn như quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tham gia đầu tư trên thị trường TPDN.

“Nhưng trong ngắn hạn, các chính sách nới lỏng sẽ khó có thể được ban hành sớm do ưu tiên hiện tại của Chính phủ là bảo vệ các nhà đầu tư sau thời gian thị trường gặp nhiều sự kiện ảnh hưởng tiêu cực tới nhà đầu tư”, ông Sơn nêu quan điểm.

Tin bài liên quan