Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ
Một tuần trước, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho lại đích thân đi tìm kiếm các nhà cung cấp cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam. Nói đúng hơn, ông đi khảo sát các doanh nghiệp nhận được sự tư vấn cải tiến sản xuất của các chuyên gia Samsung. Lần này, có 6 doanh nghiệp nằm trong danh sách là: Fitek Việt Nam, Nhựa Hà Nội, An Trung Industries (ở phía Bắc) và Phương Yến, Tôn Đông Á, Công nghiệp và Thương mại Lidovit (ở phía Nam).
Kể từ năm 2015, Samsung đã miệt mài thực hiện công việc này. Tính đến nay, đã có 132 doanh nghiệp Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia Hàn Quốc và chuyên gia Việt Nam để cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhờ nỗ lực cải tiến sản xuất, rất nhiều doanh nghiệp trong số này đã trở thành các nhà cung cấp (vendors) cho Samsung. Bởi thế, từ con số chỉ có 4 doanh nghiệp Việt là vendors cấp 1 cho Samsung vào năm 2014, thì nay, con số đã nâng lên 42. Theo kế hoạch, đến năm 2020, con số sẽ là 50 doanh nghiệp. Chưa kể, còn hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đã trở thành các vendors cấp 2, cấp 3 cho Samsung.
“Như vậy là rất khác so với trước đây, khi Samsung mới đầu tư vào Việt Nam, họ cũng mang theo cả các nhà cung ứng. Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt trở thành vendors cho Samsung đã góp phần dần dần hình thành ngành công nghiệp điện tử cho Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói.
Chúng tôi đang xây dựng các chính sách để tăng liên kết đầu tư trong nước và FDI, làm sao để nâng cao giá trị gia tăng, cũng như tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội, để họ trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI
Nhưng không phải doanh nghiệp nước ngoài nào cũng làm được như Samsung. Một con số từng được Bộ Công thương nhắc đến, đó là hiện mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Nguyên nhân được rất nhiều chuyên gia nhắc đến là bản thân nhiều doanh nghiệp FDI chưa tích cực phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Song thực tế, nhiều khi, câu chuyện lại nằm ở năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp Việt.
“Muốn ‘kiếm’ từ doanh nghiệp FDI, thì trước hết, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nguyễn Đình Tiến, đại diện Dự án Kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAIS) nói.
Một bàn tay không thể làm nên tiếng vỗ, do đó, để gia tăng liên kết nội - ngoại, thì phải giải quyết vấn đề ở cả 2 phía.
Khuyến khích thỏa đáng để tăng liên kết nội - ngoại
Một trong những điểm yếu lớn nhất của Việt Nam trong thu hút FDI, đó là sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và Việt Nam còn lỏng lẻo. Chính phủ Việt Nam đã rất nhiều lần nhấn mạnh điều này và mong muốn thúc đẩy liên kết.
“Tại sao một vấn đề đặt ra đã lâu mà bao năm nay vẫn chưa giải quyết được? Đó là vì chúng ta còn thiếu cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp FDI liên kết tốt với doanh nghiệp trong nước”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói và cho rằng, cần bổ sung các quy định như vậy vào Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Tuy nhiên, ưu đãi thỏa đáng cho doanh nghiệp FDI chỉ là một khía cạnh. Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn nước ngoài, cần có những chính sách đồng bộ, từ chính sách về khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, ưu đãi thuế, cho vay ưu đãi để doanh nghiệp có điều kiện nâng cấp về công nghệ.
Nhưng quan trọng hơn là bản thân doanh nghiệp Việt phải tự nỗ lực vươn lên. “Nếu doanh nghiệp Việt không tự nâng cao năng lực, thì sẽ bị các doanh nghiệp FDI bỏ rơi”, ông Nguyễn Đình Tiến nhấn mạnh.