Nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư “chưa từng có” sẽ được Việt Nam áp dụng. Trong ảnh: Nhà máy của R-Technical (Nhật Bản) ở Hòa Bình

Nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư “chưa từng có” sẽ được Việt Nam áp dụng. Trong ảnh: Nhà máy của R-Technical (Nhật Bản) ở Hòa Bình

Ưu đãi đột phá để chọn nhà đầu tư chiến lược

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt và thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng từ năm 2024, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ bổ sung mang tính đột phá.

Tạo đột phá để hút đầu tư

Hàng loạt biện pháp hỗ trợ đầu tư hấp dẫn đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trong Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, đang được đưa ra lấy ý kiến công luận. Dự thảo nghị định này được xây dựng đồng thời với Dự thảo Báo cáo rà soát tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư, mà Báo Đầu tư đã đề cập.

Cả 2 văn bản quan trọng trên đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo, sau khi Quốc hội đồng ý về chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Cùng với đó, là rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Nếu Dự thảo Nghị định được thông qua, có thể nói, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư “chưa từng có” sẽ được Việt Nam áp dụng, bao gồm cả việc hỗ trợ bằng tiền cho một số hoạt động, như hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; hỗ trợ chi phí R&D…

Cụ thể, nhà đầu tư có thể được hỗ trợ tối đa 50% chi phí thực tế đã chi trong năm cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hay được hỗ trợ tối đa lên tới 1,5% giá trị gia tăng của sản phẩm công nghệ cao có giá thành từ 4 triệu đồng trở lên… Chi phí mà nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện các hoạt động R&D, tùy quy mô, cũng sẽ nhận được hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư.

Tất nhiên, để được hưởng các biện pháp hỗ trợ đầu tư trên, các nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện nhất định. Đó phải là các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có trung tâm R&D… Một ví dụ cụ thể, muốn nhận được hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao ở mức cao nhất, nhà đầu tư phải có doanh thu trên 200.000 tỷ đồng, nhân lực trên 10.000 người, tỷ lệ giá trị gia tăng trên 30%...

Trên thực tế, theo thông tin từ GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong hành trình 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, mới chỉ có Intel nhận được sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này không hoàn toàn bằng tiền, mà thông qua sự hỗ trợ cho kinh phí đầu tư đào tạo nhân lực công nghệ cao. Ở góc độ này, có thể thấy, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhiều biện pháp hỗ trợ đầu tư mới là mang tính “đột phá” để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.

Chờ đón nhà đầu tư chiến lược

Cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt. Việc thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng từ năm 2024 cũng gây áp lực cho Việt Nam trong việc đón bắt cơ hội của dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. “Thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng lớn đến các chính sách ưu đãi thuế hiện hữu, đòi hỏi sự thay đổi nhanh chóng, kịp thời nhằm giữ vững vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi Dự thảo Báo cáo Rà soát tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư đã nhận định như vậy.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quốc gia đang có những toan tính và dự định riêng trong việc ban hành các chính sách để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu. Thậm chí, một cuộc đua mới “hậu thuế tối thiểu toàn cầu” cũng diễn ra.

Trong 35 năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đón được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng loạt “ông lớn” toàn cầu đã dốc hàng tỷ USD để biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình, từ Intel, Samsung, LG, đến gần đây là Foxconn, Pegatron, Winston, Goertek… Và sắp tới, sẽ có những tên tuổi lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen… tiếp bước chân của Hana Micron, Amkor vào Việt Nam.

Thực tế, không phải đến bây giờ, mà những năm gần đây, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư rất cạnh tranh và hấp dẫn.

Ví như Ấn Độ, một trong những “đối thủ” của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài ở khu vực châu Á, ngay từ năm 2020, đã “đi trước một bước” bằng việc ban hành chương trình khuyến khích liên kết sản phẩm điện tử quy mô lớn, trợ cấp 4-6% doanh thu tăng thêm so với năm tiêu chuẩn đối với các lĩnh vực như sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử… Cũng chính Ấn Độ đã sẵn sàng hỗ trợ 25% chi phí đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, R&D để thúc đẩy sản xuất linh kiện và chất bán dẫn điện tử…

Không chỉ Ấn Độ, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu… cũng đã và đang tiếp tục các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, bao gồm cả cấn trừ thuế, hỗ trợ bằng tiền mặt… cho các hoạt động R&D, các dự án quy mô lớn… để thu hút đầu tư.

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, Intel quyết định đầu tư 25 tỷ USD vào Israel, 4,6 tỷ USD vào Ba Lan và 30 tỷ EUR vào Đức. Ở cả 3 quốc gia này, Intel đều nhận được khoản hỗ trợ “khủng” bằng tiền mặt. Đức sẵn sàng chi 10 tỷ EUR hỗ trợ để đón được Intel, còn Israel bỏ ra 3,2 tỷ USD…

Trong bối cảnh ấy, việc Việt Nam nghiên cứu và ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư mới là cần thiết. Trong suốt gần 2 năm qua, khi thảo luận về các chính sách thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, các chuyên gia cả trong và ngoài nước đều “hiến kế” rằng, Việt Nam cần thiết kế các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo hướng đột phá, cạnh tranh hơn.

“Việt Nam nên ‘mở lòng’ để nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ bằng tiền”, bà Hương Vũ, Tổng giám đốc EY Consulting Việt Nam nói và cho biết, trên thế giới, nhiều quốc gia cũng áp dụng các biện pháp này và đạt được một số hiệu quả nhất định.

Thực tế, ngay cả các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, EU… đã nhiều lần kiến nghị rằng, Việt Nam nên cải cách chính sách ưu đãi đầu tư, thay vì ưu đãi theo thu nhập thì có thể áp dụng ưu đãi theo chi phí, bao gồm cả các biện pháp hỗ trợ bằng tài chính.

Ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn thuế (Deloitte Việt Nam) thậm chí còn cho rằng, ưu đãi bằng tiền chính là “cánh cửa” cho Việt Nam trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.

Dù mới chỉ là đề xuất, song việc đồng thời rà soát, nghiên cứu tổng thể các chính sách khuyến khích đầu tư để cải cách cho phù hợp với tình hình mới, cộng thêm việc ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư mới, là bước đi quan trọng và cần thiết của Việt Nam, để có thể đón được các nhà đầu tư chiến lược.

Tin bài liên quan