Kết quả điều tra cho thấy năm 2009, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (SN 1971), lúc đó là Trưởng phòng phát triển sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) đã đề nghị thành lập CTCP Phát triển đầu tư Thái Sơn trong đó Tổng công ty Thái Sơn góp vốn 51% nhưng cho nợ, khi công ty kinh doanh có lãi thì dùng lợi nhuận được chia để góp vốn. Hai cá nhân khác là cháu bị cáo Đinh Ngọc Hệ góp 49%.
Sau này đổi tên thành CTCP Phát triển đầu tư Thái Sơn B.Q.P, Đinh Ngọc Hệ là Chủ tịch HĐQT. Từ tháng 3/2013 đến khi bị bắt, Đinh Ngọc Hệ là người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc công ty.
Mặc dù danh nghĩa là công ty con của Tổng công ty Thái Sơn nhưng vốn kinh doanh của CTCP Thái Sơn B.Q.P là của tư nhân, mọi hoạt động điều hành đều do bị cáo Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo.
Tháng 12/2012, Tổng công ty Thái Sơn đã bán bớt 31% vốn cổ phần với giá 0 đồng cho một cá nhân là người quen của Đinh Ngọc Hệ. Phần vốn còn lại, Tổng công ty bán nốt cho một cá nhân khác thu 1,2 tỷ đồng.
Quá trình hoạt động, lợi dụng danh nghĩa công ty con của Tổng công ty Thái Sơn, Đinh Ngọc Hệ với tư cách là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Thái Sơn B.Q.P đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty cổ phần, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế để xin được thi công các dự án công trình trọng điểm quốc gia.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã đề nghị cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công An cho mua xe bằng vốn tự có, đề nghị đăng ký biển xe quân sự, biển xanh 80A trong đó có nhiều xe chỉ huy giá trị lớn. Những xe này đã được các cơ quan chức năng cho mua, đăng ký biển quân sự, được miễn nhiều tỷ đồng thuế trước bạ.
Đinh Ngọc Hệ, đã chỉ đạo Trần Văn Lâm, Tổng giám đốc điều hành ký các hợp đồng thế chấp 29/38 xe quân sự cho hàng loạt ngân hàng gồm PG Bank, MB, BIDV, VPBank là Lienviet Post Bank. Một số xe được đem cho thuê để lấy nguồn thu.
Hành vi này đã vi phạm quy định về sử dụng xe trong các đơn vị của Bộ Quốc Phòng, giao xe biển quân sự, biển xanh 80A cho nhiều đối tượng ngoài xã hội sử dụng.
Ngoài ra, năm 2012, Công ty cổ phần Thái Sơn B.Q.P thuê đất của một đơn vị quân đội và cho Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại. Công ty Thái Sơn B.Q.P đã lập chi nhánh tại Bình Dương để giúp Công ty Hải Hà làm thủ tục cấp phép xây dựng, kinh doanh xăng dầu.
Đến năm 2014, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Dương kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm trong đó có việc xăng không đạt tiêu chuẩn chất lượng (hơn 20.000 lít xăng tồn kho). Đội kiểm tra đã niêm phong cột bơm, yêu cầu giải trình,
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo Trần Văn Lâm làm văn bản mạo nhận hoạt động của cửa hàng chủ yếu phục vụ nhiệm vu kinh tế quốc phòng để xin không bị xử phạt. Một hợp đồng gửi xăng được ký khống để hợp thức số xăng nói trên là của đơn vị quân đội gửi nhằm tránh bị xử phạt với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.
Quá trình công tác, Đinh Ngọc Hệ còn sử dụng bằng giả Đại học Kinh tế quốc dân để được giữ chức sĩ quan.
Cơ quan điều tra xác định lợi dụng buông lỏng quản lý của Tổng công ty Thái Sơn, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, cho thuê thế chấp gây thiệt hại tiền thuế trước bạ, mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu Thái Sơn phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng...
Vì hành vi này, Đinh Ngọc Hệ bị truy tố, xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trần Văn Lâm (SN 1977); Bùi Văn Tiệp (SN 1957); Trần Xuân Sơn (SN 1986) cùng bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Phùng Danh Thắm, do không thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu Tổng công ty Thái Sơn, buông lỏng quan lý doanh nghiệp , buông lỏng quản lý người đại diện vốn để xảy ra sai phạm, bị truy tố, xét xử tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.