Trên thị trường ngoại tệ, sáng nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng của cặp tỷ giá VND/USD từ 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD.
Như vậy, với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần hiện này là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD.
Ngay sau thông tin trên, các ngân hàng thương mại lần lượt điều chỉnh lại tỷ giá USD được niêm yết.
Lúc đầu ngày, Vietcombank niêm yết giá USD ở 21.670 - 21.740 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng mạnh 50 đồng ở cả 2 chiều so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh giảm 10 đồng chiều mua vào và 20 đồng chiều bán ra, giao dịch ở 21.660 - 21.720 VND/USD.
Trên thị trường tự do, trong buổi sáng giá USD tăng mạnh, mua vào – bán ra ở mức 21.710 – 21.730 VND/USD, tăng 50 đồng mỗi chiều so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá USD giảm nhẹ 10 đồng mỗi chiều, mua vào - bán ra ở mức 21.700 - 21.720 VND/USD.
Trái ngược với diễn biến tại thị trường ngoại tệ, giá vàng trong nước không có nhiều biến động, bất chấp đà tăng hay giảm của giá vàng thế giới.
Vàng SJC sáng nay niêm yết ở 34,98 – 35,04 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), không đổi so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh giảm 10.000 đồng/lượng, mua vào – bán ra ở mức 34,97 – 35,03 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc 8h30 sáng nay mua vào – bán ra ở mức 31,42 – 31,87 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh giảm 50.000 đồng/lượng, mua vào – bán ra ở mức 31,37 – 31,82 triệu đồng/lượng.
Trong phiên Á hôm nay, giá vàng tiếp tục tụt dốc mạnh sau đà giảm từ phiên Mỹ trước đó. Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.191,20 USD/ounce, ngay từ khi mở phiên, giá vàng liên tục giảm mạnh, chạm đáy ở 1.180,90 USD/ounce, giảm 10,3 USD/ounce so với giá mở cửa và chốt phiên tại 1.183,10 USD/ounce, giảm mạnh so với phiên hôm trước.
Trên sàn New York tối qua (6/4), giá vàng mở cửa ở 1.189 USD/ounce, sau khi mở phiên, giá vàng tăng nhẹ lên mức đỉnh 1.195,20 USD/ounce, tăng 6,2 USD/ounce so với giá mở cửa. Về cuối phiên, giá vàng giữ xu hướng giảm và chốt phiên tại 1.191,20 USD/ounce, giảm nhẹ 1,8 USD/ounce so với chốt phiên ngày hôm qua, chấp nhận một phiên giao dịch giảm giá.
Sáng nay, thông tin việc làm do ADP thực hiện đã được công bố. Theo đó, con số việc làm trong tháng 4 là 169.000, thấp hơn nhiều so với dự đoán 205.000 trước đó. Thông tin từ ADP là cơ sở để giới đầu tư phán đoán thông tin việc làm từ Bảng lương phi nông nghiệp của Bộ Lao động Mỹ được công bố vào thứ Sáu tới. Với con sô thất vọng từ ADP, có vẻ như khả năng thông tin việc làm sắp được công bố sẽ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Một nguồn lực khác tác động tới giá vàng là giá dầu thô và USD trên thị trường. Theo diễn biến trên sàn Nymex, giá dầu thô đã đạt đỉnh cao nhất 5 tháng qua khi giao dịch trên mức 62 USD/thùng. Đồng thời, đồng USD đang ở mức thấp nhất 3,5 tháng qua trong phiên giao dịch tối qua tại Mỹ. Cả 2 thông tin này đáng lẽ phải là trợ lực tích cực giúp giá vàng có thể đột phá, vượt trên ngưỡng cản 1.200 USD/ounce, tuy nhiên, vàng phải ngậm ngùi chấp nhận xu hướng giảm.
Trong ngày hôm nay, một số thông tin từ Hy Lạp tiếp tục được giới đầu tư cập nhật. Theo đó, Hy Lạp cho biết đã tiến hành trả 200 triệu euro tiền nợ cho Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày hôm qua. Tuy nhiên, vẫn còn một khoản nợ lớn hơn trị giá 750 triệu euro sẽ đến hạn vào 12/5 này. Rất nhiều quan chức châu Âu cũng như giới đầu tư đang cảm thấy lo ngại, bởi họ không hiểu Hy Lạp làm thế nào để có thể xoay sở trả được số nợ sắp tới.
Một báo cáo khác cho biết, Liên minh châu Âu (EU) và Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) không nghĩ rằng Hy Lạp đang thực sự nỗ lực để đàm phán tái cấu trúc lại các khoản nợ của nước này. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bất ổn tại Hy lạp sẽ còn kéo dài và đây sẽ yếu tố giúp tính trú ẩn an toàn của vàng duy trì sức hấp dẫn đối với giới đầu tư.