USD tăng giá và nguy cơ “nghỉ chơi lãi suất” ở thế giới mới nổi

(ĐTCK) Thuật ngữ “kinh doanh chênh lệch lãi suất” (carry trade) nghe có vẻ vô hại, thậm chí tốt. 
USD tăng giá và nguy cơ “nghỉ chơi lãi suất” ở thế giới mới nổi

Nhưng khi đồng USD tiếp tục tăng giá, dòng chảy hàng tỷ USD vào các thị trường mới nổi có thể sẽ đảo chiều, đe dọa tăng trưởng ở nhiều nước trong thế giới đang phát triển, các nhà phân tích cảnh báo.

Nhà đầu tư đang tranh thủ chênh lệch lãi suất khi vay một đồng tiền lãi suất thấp, như USD, để đầu tư vào các tài sản nợ nội địa lãi suất cao hơn ở các thị trường mới nổi. Nhưng áp lực với cơ chế kinh doanh chênh lệch lãi suất đang tăng lên, khi một chỉ số đo lường các đồng tiền mới nổi, chỉ số JPMorgan EMCI, đang giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong vòng 11 năm.

Nhà đầu tư ngày càng nhận ra rằng, thiệt hại của họ trên thị trường ngoại hối đang vượt quá cả thu nhập từ chênh lệch lãi suất, khiến họ muốn cắt giảm đầu tư và bỏ chạy khỏi các thị trường mối nổi. Khi các thành viên thị trường cùng nhau rút khỏi hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất, bán tài sản ở các thị trường mới nổi và mua USD, quá trình này sẽ làm trầm trọng thêm các điều kiện thị trường ở nơi họ bỏ chạy.

Một số nhà phân tích cảm thấy nguy cơ này. “Chiến lược đánh lãi suất rốt cuộc đang hỏng ăn”, Luis Costa, chiến lược gia tiền tệ ở Citi bank, nhận xét. “Thị trường đã bị ngập úng bởi thanh khoản và lãi suất thấp trong một thời gian dài, nhưng hiện gió đang đảo chiều”.

David Hauner, chiến lược gia ở Bank of America Merrill Lynch, dự đoán, thị trường sẽ có một đợt điều chỉnh dài. “Rõ ràng đây không phải là sự kết thúc vĩnh viễn của loại hình kinh doanh chênh lệch lãi suất, nhưng là một sự điều chỉnh”, ông nói.

Cơn gió ngược đối với hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất được tăng cường bởi triển vọng lên giá của đồng USD, nhận được từ 3 xu hướng: kinh tế Mỹ đang phục hồi tăng trưởng, làm tăng sự hấp dẫn của đồng bạc xanh; Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ sẵn sàng kết thúc chương trình nới lỏng định lượng vào tháng 10, thắt chặt thanh khoản đồng USD; và cuối cùng, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bắt đầu chính sách nới lỏng tiền tệ, gia tăng triển vọng của đồng USD, trong mối tương quan với đồng euro.

Ảnh hưởng, về mặt cảm nhận, của sự dịch chuyển khỏi các thị trường trái phiếu bằng đồng bản địa ở các thị trường mới nổi đã hiển hiện. Chỉ số trái phiếu bằng đồng bản địa của các thị trường mới nổi, chỉ số JPMorgan GBI, đã giảm gần 6% hôm thứ Sáu tuần trước, so với mức cao trong năm vào cuối tháng 7. Lợi suất trái phiếu bình quân của nhóm thị trường này đã chạm mức 6,69%, tăng so với mức thấp 6,45% trong tháng 7.

Hoạt động phát hành công cụ nợ bằng đồng địa phương cũng chậm lại, với chỉ 22 tỷ USD trái phiếu được chào bán trong tháng 8, so với mức bình quân 62 tỷ USD trong vòng 1 năm trước đó, theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

Những con số trên nói lên mức độ dễ bị tổn thương của một số nền kinh tế mới nổi. Những nước này cần đến hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất không chỉ để duy trì lãi suất nội địa ở mức thấp, mà còn để tài trợ cho thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai, cấp vốn cho các dự án kết cấu hạ tầng và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Một sự rút lui đột ngột khỏi hoạt động kinh doanh lãi suất sẽ gây nên rủi ro lớn cho các nền kinh tế thị trường mới nổi. Mặc dù mức độ của hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất chưa được xác định, nhưng ước khoảng 2.000 tỷ USD vốn nước ngoài đang được đầu tư vào tài sản nợ ở các thị trường mới nổi. Con số này lớn hơn hai nền kinh tế Indonesia và Mexico cộng lại. Tỷ trọng vốn ngoại tại các thị trường trái phiếu mới nổi đã tăng từ 8% lên 17% trong thời gian từ năm 2007 đến 2012, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).

Một số nước đặc biệt phơi nhiễm với triển vọng chông chênh của hoạt động kinh doanh lãi suất. Tại Malaysia, tỷ trọng trái phiếu chính phủ được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng lên hơn 45%. Tỷ lệ này là trên 35% ở Ba Lan, Hungary, Mexico và Indonesia.

Một thước đo quan trọng để đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương của một nước trước sự quay đầu của dòng tiền kinh doanh lãi suất là tương quan giữa mức chênh lệch giữa lãi suất bằng đồng USD và lãi suất bằng đồng bản địa với giá kỳ hạn của các đồng tiền. Theo thước đo này, và qua tính toán của Citi, thì các nhà đầu tư chênh lệch lãi suất vào các trái phiếu bằng đồng shekel của Israel và đồng koruna của Séc hiện đang đối diện với thua lỗ.

Mặc dù lo lắng hơn, nhưng một số nhà đầu tư vẫn lạc quan. “Việc thắt chặt các điều kiện tài chính ở thế giới mới nổi sẽ kiểm nghiệm độ co giãn của trái phiếu địa phương”, Gerardo Rodriguez, nhà quản lý danh mục của BlackRock, một công ty quan lý đầu tư nói, “Nhưng chúng tôi không nhận thấy một sự thay đổi hỗn loạn nào trong hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất”.   

Tin bài liên quan