USD mạnh, Trump hồ hởi, nhưng các nước vay nợ nhiều đang đứng trước thảm hoạ

(ĐTCK) Chỉ vài tuần sau khi đồng USD tăng mạnh và gây thiệt hại trên thị trường tài chính thế giới, Tổng thống Donald Trump đã nhận định rằng: “Đồng USD rất mạnh và đây là điều rất tốt”.
USD mạnh, Trump hồ hởi, nhưng các nước vay nợ nhiều đang đứng trước thảm hoạ

Sự gia tăng nhanh chóng của đồng USD tháng trước do lực bán tháo các tài sản rủi ro chuyển qua các kênh trú ẩn, trong đó có đồng USD của giới đầu tư trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Trước sự tăng giá mạnh của đồng USD, ông Trump cho rằng, "điều này là rất tốt". Trong khi trước đó, Tổng thống Mỹ luôn liên tục kêu gọi phải làm cho đồng USD yếu hơn để hỗ trợ cho các công ty sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ. Các nhà kinh tế cũng cho rằng, việc đồng USD tăng mạnh trở lại cũng là cú sốc của thị trường tài chính sau tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19.

Biểu đồ diễn biến Dollar Spot Index so với 10 đồng tiền chủ chốt khác

Bên cạnh đó, việc gia tăng mạnh của đồng bạc xanh này cũng có nhiều mối nguy hiểm khôn lường. Đối với các quốc gia thị trường mới nổi và đang phát triển, khoản nợ vay bằng đồng USD của những quốc gia này ngày một tăng cao. Do đó, các quốc này phải đối mặt với 2 gánh nặng lớn đi kèm, xuất khẩu sụt giảm do việc đóng cửa các nền kinh tế lớn trên thế giới và gánh nặng lãi vay gia tăng đối với các khoản nợ bằng đồng USD.

Maury Obstfeld, cựu nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện là giáo sư tại Đại học California tại Berkeley nhận định rằng: “Khả năng sẽ là một thảm hoạ đối với các quốc gia vay nợ nhiều bằng đồng USD”.

Theo dữ liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế, tổng số dư nợ tín dụng mở rộng bằng đồng USD cho người đi vay, ngoại trừ ngân hàng đã lên tới 12,1 nghìn tỷ USD vào tháng 9, nhiều hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước. Con số này cũng chiếm gần 14% GDP toàn cầu trong khi trong cuộc khủng hoảng năm 2009, con số này chỉ dưới 10% GDP.

Đồng USD đang sụt giảm lại từ mức đỉnh trong tháng 3, một phần do nỗ lực của Fed trong việc bơm thanh khoản vào nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế toàn cầu.

Fed cho phép hoán đổi thanh khoản bằng USD với Brazil, Hàn Quốc và Mexico. Fed có thể mua lại tạm thời các trái phiếu kho bạc đối với các ngân hàng trung ương khác để lấy tiền mặt, cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trung ương khác. Mặc dù vậy, đồng USD vẫn cao hơn rõ rệt so với đầu năm do cú sốc từ virus.

Trong cuộc nói chuyện với phóng viên vào ngày thứ Sáu (17/4), về việc đồng USD tăng giá, Tổng thống Trump đã phát biểu: “Hàng hoá có thể khó bán hơn ở ngoài nước Mỹ và càng khó hơn cho các nhà sản xuất”. Nhưng không giống như trước đó, Tổng thống Trump cũng chỉ ra lợi ích của việc đồng USD mạnh.

“Mọi người sẽ muốn đầu tư vào đất nước chung ta vì họ muốn có một sự an toàn. Tiền đang đổ vào Mỹ mặc dù lãi suất của Mỹ đang ở mức thấp nhất và gần bằng 0”, Tổng thống Trump nói.

Diễn biến chỉ số S&P 500

Dường như Tổng thống Trump đã trở lại đồng quan điểm với lập trường của các chính quyền Mỹ trong quá khứ và xem đồng USD mạnh là mối quan tâm của nước Mỹ.

Nhưng điều này lại không dành cho phần còn lại của thế giới, ít nhất là thời điểm hiện tại. “Có thể có những trường hợp đồng USD mạnh làm gia tăng sự bất ổn cho toàn bộ nền kinh tế toàn cầu”, theo ông Maury Obstfeld nhận định.

Tin bài liên quan