USD liên tục tăng giá, không cần lo dòng vốn nước ngoài chạy khỏi Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS., chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sự biến động đó chỉ là tạm thời; xét về tổng thể, gói hỗ trợ này được tung ra sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam.
PGS-TS., chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

PGS-TS., chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do có lúc vượt 24.000 VND/USD ngay sau khi Mỹ tung gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD. Theo ông, tỷ giá USD tại Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào?

Việc Mỹ tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD sẽ làm ảnh hưởng ngay đến Chỉ số USD Index, thị trường chứng khoán và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ.

Về lý thuyết, gói hỗ trợ này sẽ làm lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng; chứng khoán và Chỉ số USD Index giảm. Tuy nhiên, thực tế, từ trước khi gói này được ban hành, thì chứng khoán và USD đã giảm, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Sau khi gói này chính thức được ban hành, thị trường vận động trái chiều, bởi tác động đã được thị trường hấp thụ, dự báo trước đó. Cụ thể là, chứng khoán tiếp tục tăng, USD giảm giá, nhưng không đáng kể.

Song, đây chỉ là diễn biến trước mắt, về lâu dài, gói 1.900 tỷ USD này sẽ khiến lạm phát tăng, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng và USD giảm. Tất nhiên, sự điều chỉnh này sẽ diễn ra từ từ, chứ không phải tăng đột ngột.

Với Việt Nam, mức độ tác động của gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ tới tỷ giá là không lớn. Những diễn biến tỷ giá tuần qua, theo tôi, chỉ là tạm thời. Với cách thức điều hành tỷ giá hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá năm nay sẽ vẫn tương đối ổn định, biên độ biến động chỉ xoay quanh mức 2%. Gói 1.900 tỷ USD của Mỹ có tác động với Việt Nam, nhưng là ở khía cạnh khác nhiều hơn là tỷ giá.

Vậy theo ông, tác động lớn nhất của gói 1.900 tỷ USD này tới nền kinh tế Việt Nam là gì?

Gói hỗ trợ sẽ kích thích GDP của Mỹ tăng, khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nhập khẩu tăng theo. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Việt Nam có lợi thế kiểm soát Covid-19 tốt hơn nhiều quốc gia khác, nên có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ 2 tháng đầu năm cho thấy chiều hướng này đang xuất hiện. Nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng, khi Mỹ và các nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp nước ta sẽ có cơ hội rất tốt nếu biết tận dụng.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại, cùng với khả năng kinh tế phục hồi, lạm phát của Mỹ sẽ tăng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất, đẩy lãi suất toàn cầu đi lên. Ông đánh giá như thế nào về khả năng tăng lãi suất của thế giới và Việt Nam?

Dù lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng lên từ đáy, song nhìn chung cả giai đoạn, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn đang khá thấp. Về xu hướng, việc lạm phát và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng là điều có thể dự đoán trước.

Với Việt Nam, Chính phủ đang mong muốn giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Nhưng, sức ép của lạm phát trên thế giới sẽ khiến mặt bằng lãi suất khó giảm thêm.

Theo dự báo của tôi, sức ép của lạm phát và lãi suất trên thế giới sẽ khiến mặt bằng lãi suất trong nước có thể tăng nhẹ từ cuối tháng 3/2021. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 đã có mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm gần đây - đó là chỉ báo khiến cơ quan quản lý giá phải đề phòng. Dù vậy, tôi cho rằng, lạm phát năm nay vẫn sẽ dưới 4% như mục tiêu của Chính phủ và lãi suất nếu tăng cũng chỉ tăng nhẹ.

Kinh tế Mỹ hồi phục, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng liệu có ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đổ vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam không, thưa ông?

Không cần lo dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi Việt Nam. Theo dự báo của tôi, thậm chí vốn FDI, FII vào Việt Nam còn tăng mạnh thời gian tới. Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19. Bước sang năm 2021, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất - kinh doanh mạnh. Riêng 2 tháng đầu năm, có 18.100 doanh nghiệp trong nước thành lập mới.

Còn với doanh nghiệp nước ngoài, không có lý do gì để họ không tiếp tục rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Tất nhiên, để thu hút mạnh hơn dòng vốn này, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Riêng với vốn FDI, chúng ta cũng cần phải có công cụ chọn lọc những nhà đầu tư hiệu quả, gắn bó lâu dài.

Tin bài liên quan