Tỷ giá tăng hỗ trợ tốt cho xuất khẩu
Trao đổi với ĐTCK, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, nhu cầu mua ngoại tệ phục vụ thanh toán hàng hóa và tất toán một số khoản vay của các DN tăng lên trong những tháng cuối năm 2014, cán cân thương mại tháng 12 ước tính âm khoảng 900 triệu USD đã tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND.
“Tỷ giá USD/VND giao dịch trên mức 21.400 trong suốt tháng 12/2014 và NHNN đã can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường. Sau một thời gian dài duy trì ổn định tỷ giá USD/VND, trước những chuyển biến của kinh tế thế giới và kết quả tích cực của năm 2014 trong nước, NHNN nhận thấy, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện điều chỉnh tỷ giá”, ông Khoa nói.
Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank, khác với 2 năm trước (năm 2013, 2014), sang tháng 2, NHNN mới tiến hành điều chỉnh tỷ giá thì đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua được tiến hành ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, nguyên nhân điều chỉnh khá tương đồng với các năm trước, nhất quán với mục tiêu chính sách điều hành tỷ giá của NHNN trong năm vừa qua.
“Quyết định điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm đầu năm của NHNN không chỉ có tác động tích cực đến cung - cầu ngoại tệ, mà còn có tác động tích cực đến tâm lý thị trường. Theo đó, DN liên quan đến việc sử dụng ngoại tệ được chủ động trong việc lập và thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Hà nói.
Cùng quan điểm cho rằng thời điểm điều chỉnh tỷ giá là phù hợp, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, đồng USD đang lên giá mạnh, lạm phát Việt Nam được kiểm soát ở mức khá thấp trong năm 2014 và được dự báo chỉ tăng nhẹ trong 2015, nên việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không tạo áp lực tăng lạm phát. Việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND là một nhân tố tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu khi nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào xuất khẩu. Động thái này thể hiện phản ứng kịp thời của NHNN với thị trường trong nước và thế giới.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, dự báo cán cân vãng lai năm 2015 của Việt Nam thâm hụt nhiều so với năm 2014. Việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái hữu hiệu nhất cho hỗ trợ cán cân vãng lai, hỗ trợ xuất khẩu. Đầu năm nay, xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh so với các khu vực khác nên đây là biện pháp kịp thời hỗ trợ xuất khẩu và nền kinh tế tạo ra lợi kép: giá đầu vào nhiên liệu rẻ, lãi suất giảm, đầu ra (xuất khẩu) tăng lên.
“Tỷ giá hối đoái tăng có lợi cho thu ngân sách từ USD, thu từ xuất khẩu. Quyết định điều chỉnh tỷ giá USD/VND dù khá bất ngờ, nhưng lại thể hiện sự thông minh và nhạy cảm của NHNN”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.
Thị trường ngoại hối ổn định sau điều chỉnh tỷ giá
Đánh giá về diễn biến thị trường ngoại hối sau khi tỷ giá USD/VND tăng 1%, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, thị trường đã phản ứng rất tích cực với điều chỉnh này. Ngày đầu tiên quyết định điều chỉnh tỷ giá có hiệu lực (7/1/2015), tỷ giá USD/VND chỉ dao động quanh mức bình quân trên thị trường liên ngân hàng theo công bố của NHNN.
Thậm chí, đến cuối giờ trưa ngày 7/1, tỷ giá có giảm xuống một chút so với tỷ giá công bố bình quân. Cụ thể, thị trường ngoại hối đã tự điều chỉnh cung - cầu và tỷ giá đã dần ổn định trong biên độ 21.440 - 21.480 trong ngày 7/1 và có thời điểm đứng ở mức 21.440 (thấp hơn trần cũ 21.458) do nguồn cung từ các khách hàng FDI khá dồi dào.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng (lãi suất qua đêm hiện ở mức 3,5-4%/năm) khá hấp dẫn nên một số ngân hàng có thể đã bán một phần ngoại tệ để có điểm kỳ hạn (khoảng 2 điểm một ngày).
Phó tổng giám đốc Vietcombank, ông Phạm Thanh Hà chia sẻ, với mặt bằng tỷ giá mới, giao dịch mua - bán ngoại tệ sẽ sôi động hơn, nguồn cung ngoại tệ cho khách hàng tại Vietcombank tăng nhẹ và Ngân hàng đã đáp ứng tốt hơn các nhu cầu mua ngoại tệ nhập khẩu cũng như mua ngoại tệ thanh toán nợ vay ngắn hạn của các khách hàng. Cũng do thanh khoản tốt, tỷ giá trên thị trường giảm xuống và tại Vietcombank cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
“Chiều ngày 7/1, Vietcombank đã điều chỉnh tỷ giá USD/VND xuống mức 21.420 -21.480, có nghĩa là tỷ giá thị trường đang nằm trong khu vực tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố”, ông Hà nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam nhấn mạnh: “Ngay sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt trong cả ngày 7/1. Tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường xoay quanh mức phổ biến mức 21.450 - 21.460 VND/USD. Thanh khoản tương đối tốt, tổng giá trị giao dịch trên thị trường đạt khoảng 700 triệu USD”.
Đồng USD có thể còn tăng giá tiếp
Mặc dù nhiều phân tích cho rằng, nguồn kiều hối trước Tết khá dồi dào sẽ hỗ trợ nguồn cung cho thị trường, NHNN cũng công bố sẽ theo dõi thị trường chặt chẽ và sẵn sàng can thiệp hỗ trợ thị trường thông qua các công cụ và chính sách về tiền tệ và ngoại hối khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, nhưng vẫn có những nhận định, đồng nội tệ sẽ tiếp tục bị phá giá trong năm 2015.
Báo cáo của HSBC bình luận, trong bối cảnh đồng USD đang mạnh hơn so với hầu hết các loại tiền tệ và tỷ giá USD/VND thường đóng cửa giao dịch ở mức chạm trần trong vài tuần qua thì động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN không gây quá nhiều ngạc nhiên.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ còn giảm giá tiền đồng thêm 1% nữa trong năm nay, đẩy tỷ giá USD/VND đạt mức 21.750”, các chuyên gia của HSBC nhận định.
Báo cáo cập nhật của ANZ về việc điều chỉnh tỷ giá lần này cũng cho rằng, cán cân thương mại năm 2014 thặng dư 1,98 tỷ USD và ghi nhận năm thứ ba liên tục thặng dư, cùng với đó là dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh là cơ sở tốt cho thấy đồng Việt Nam là một trong số ít các đồng tiền không bị tổn thương nhiều trong thời gian qua.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tiền đồng được miễn dịch hoàn toàn khỏi xu thế mạnh lên liên tục của đồng USD trong những tháng vừa qua, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
“Các chuyên gia về tỷ giá của ANZ dự báo sự giảm giá hơn nữa của tiền đồng vào cuối năm 2015, với mức 22.050 VND/USD vào tháng 12/2015”, Báo cáo của ANZ cho biết.