USD có gây áp lực lên giá vàng?

0:00 / 0:00
0:00
Quan điểm cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thực hiện lộ trình tăng lãi suất USD tác động tích cực lên sức khỏe đồng bạc xanh, nhưng tác động tiêu cực lên mặt hàng vàng.
USD có gây áp lực lên giá vàng?

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, về dài hạn, vàng vẫn là “hầm trú ẩn” an toàn.

Lộ trình tăng lãi suất của Fed vào tháng 9 đã hỗ trợ cho USD, nhưng khiến vàng mất hấp dẫn. Liệu đồng bạc xanh có áp đảo vàng?

Trong cuộc họp của đại diện ngân hàng trung ương nhiều nước tại Wyoming (Mỹ) ngày 26/8, Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tái khẳng định quan điểm cứng rắn và cam kết nỗ lực để kiềm chế lạm phát, ngay cả nếu tăng trưởng kinh tế chịu tác động. Chủ tịch Fed lưu ý rằng, Fed không chỉ quan tâm tới số liệu của 1-2 tháng và sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD cho đến khi lạm phát tiến đến cột mốc 2% về dài hạn.

Chủ tịch Fed đưa ra tuyên bố trên giữa bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt ngưỡng, nhưng chưa chắc sẽ giảm xuống. Theo dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/8, tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7/2022 là 8,5%. Trước đó, tỷ lệ này nằm ở mức 9,1% vào tháng 6/2022 - mức cao nhất kể từ tháng 11/1981.

Hiện tại, lãi suất của nền kinh tế số 1 thế giới tăng lên mức 2,25-2,5% (mức cao nhất kể từ tháng 12/2018). Với lộ trình tăng lãi suất của Fed, USD mạnh hơn khiến vàng trở nên đắt hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.

Chỉ số Dollar index (DXY) - so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt - tăng vọt lên đỉnh cao chưa từng có trong vòng 2 thập kỷ qua, đạt mức 109,48 trong phiên gần cuối tháng 8/2022, trước khi hạ nhẹ những ngày gần đây. Tuy vàng được coi là sự đặt cược an toàn trong thời kỳ kinh tế bất ổn và có dấu hiệu suy thoái, nhưng lãi suất USD cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời này.

Vậy theo ông, trước mắt, giá vàng rơi xuống mức nào và ngưỡng kháng cự bao nhiêu?

Nếu lộ trình tăng lãi suất của Fed tiếp tục diễn ra, thì khả năng giá vàng quốc tế có thể giằng co ở mức 1.600 - 1.700 USD/ounce, nhưng không giảm nhanh. USD leo lên mức cao nhất trong 5 tháng so với các đồng tiền lớn khác của thế giới và vì vậy, vàng được định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng của vàng trong dài hạn?

Trong ngắn hạn, giá vàng có thể đương đầu với nhiều áp lực từ việc Fed sẽ nâng lãi suất thêm vài lần nữa trước thời điểm cuối năm nay. Nhưng khi chu kỳ nâng lãi suất kết thúc, giá vàng sẽ tăng và lại có dòng vốn tìm đến vàng nếu kinh tế tiếp tục chững lại. Giá vàng trở lại ngưỡng 1.765 USD/ounce có thể khiến không ít nhà đầu tư hào hứng quay lại thị trường.

Trước áp lực lạm phát Mỹ tăng cao, nhà đầu tư còn lo ngại và tìm đến hầm trú ẩn an toàn là vàng. Đồng thời, những rủi ro bất ổn về địa chính trị, trong đó có xung đột Nga - Ukraine, sẽ hỗ trợ giá vàng. Một số ngân hàng lớn trên thế giới dự báo vàng sẽ sớm quay lại ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Giá vàng thế giới giảm sẽ tác động lên giá vàng trong nước, nhưng liệu có thu hẹp được mức chênh lệch đang ở hàng chục triệu đồng/lượng?

Đối với thị trường vàng trong nước, giá vàng miếng SJC có giảm hay không phụ thuộc vào nguồn cung vàng miếng SJC. Nếu không xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và không cho phép nhập thêm vàng để cân đối cung - cầu trong nước, thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế còn cao.

Trước đây, khi Nghị định 24/2014/NĐ-CP ra đời, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ khoảng 20 tỷ USD, nhưng hiện đã đạt hơn 100 tỷ USD. Vì thế, việc cho phép nhập khẩu một lượng vàng nguyên liệu có kiểm soát (khoảng 10 tấn, tức khoảng 500 triệu USD) sẽ tác động không đáng kể đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Đó là chưa kể, sau khi nhập vàng nguyên liệu về, các công ty có thể chế tác rồi xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước.

Tin bài liên quan