UPCoM: Thanh khoản “lạc nhịp” với quy mô vốn hóa

UPCoM: Thanh khoản “lạc nhịp” với quy mô vốn hóa

(ĐTCK) Chỉ tính riêng sự xuất hiện của 4 doanh nghiệp “nghìn tỷ” vừa gia nhập TTCK trong tháng 10/2016, vốn hóa sàn UPCoM đã lập tức được cộng thêm 18.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 15% so với thời điểm kết thúc tháng 9. Với quy mô thị trường ngày càng lớn như vậy, câu chuyện về thanh khoản của UPCoM một lần nữa được đặt ra.

UPCoM tăng rất nhanh về lượng

Từ chính sách thúc đẩy cổ phần hóa, gắn cổ phần hóa và đấu giá với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK mà Chính phủ đưa ra từ năm 2015, số lượng doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên UPCoM tăng chóng mặt. Sự gia tăng về lượng cũng kéo theo sự tăng lên về thanh khoản trên thị trường này. Theo số liệu mới nhất, tổng giá trị giao dịch 9 tháng đầu năm 2016 tại UPCoM đạt 22.574 tỷ đồng, ước tính giá trị giao dịch bình quân đạt 122 tỷ đồng/phiên, tăng 110% so với cùng kỳ 2015.

Mặc dù tăng nhanh qua từng năm, nhưng nếu so với quy mô vốn hóa hiện nay (150.000 tỷ đồng), thanh khoản của sàn này ở tỷ lệ quá thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, thanh khoản UPCoM không được cải thiện “thực chất”, mà tăng chủ yếu nhờ “lượng hàng hóa khủng” cung cấp cho sàn này.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp đăng ký cổ phiếu trên UPCoM tăng mạnh, nhưng thanh khoản chỉ tập trung vào lượng nhỏ các mã trên sàn này. Trong 9 tháng qua, Top 10 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất của UPCoM chiếm tới 60% tổng lượng giao dịch toàn sàn này (với hơn 350 cổ phiếu đang đăng ký giao dịch).

Mổ xẻ sâu hơn sẽ thấy, thanh khoản UPCoM rất thấp có lý do chủ quan ở tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại nhiều doanh nghiệp lớn quá thấp. Nhìn vào 4 “ông lớn” vốn điều lệ “nghìn tỷ” vừa lên UPCoM trong tháng 10/2016 gồm Tổng CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp, mã HAN), Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc (mã MVB) và CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), điểm chung dễ thấy là Nhà nước, cũng như một số cổ đông lớn nắm đa số cổ phiếu tại các doanh nghiệp này và thanh khoản cứ “nằm chết” tại đây.

Chẳng hạn, Habeco có tổng cộng 623 cổ đông, nhưng trong đó 2 cổ đông lớn đã sở hữu 98,87% cổ phần gồm Bộ Công thương (81,79%) và Carlsberg (17,08%). Ngoài ra, Carlsberg Indochina cũng nắm 0,15% vốn Habeco, nên gọi là Habeco lên sàn, nhưng thực tế chỉ có hơn 2,26 triệu cổ phiếu đang do nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ và được tự do chuyển nhượng.

Tại CTCP Nhiệt điện Hải Phòng, tính đến thời điểm 15/8/2016, các cổ đông lớn của Công ty nắm giữ hơn 93% vốn. Ngoài ra, một số cổ đông tổ chức khác nắm khoảng 5%. Cuối cùng, các cổ đông cá nhân chỉ nắm giữ 1,72% vốn.

UPCoM: Thanh khoản “lạc nhịp” với quy mô vốn hóa ảnh 1

Chờ đợi những “cú huých” mới

Để tăng thanh khoản cho UPCoM, trong 2 năm trở lại đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và  Sở GDCK Hà Nội (HNX) có nhiều giải pháp như nới biên độ dao động giá (từ 10% lên15%), thực hiện phân bảng cổ phiếu… Thời gian tới đây, 2 giải pháp được giới đầu tư kỳ vọng sẽ tạo nên “cú huých” giúp cải thiện thanh khoản UPCoM là việc “mở cửa” cho phép giao dịch ký quỹ trên UPCoM và áp dụng cơ chế tạo lập thị trường cho cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch tại HNX.

Liên quan đến cơ chế giao dịch ký quỹ cho UPCoM, thăm dò của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các thành viên thị trường đồng loạt kiến nghị Quy chế giao dịch ký quỹ UBCK sửa đổi tới đây nên mở không gian cho UPCoM. Các thành viên cũng chờ đợi mô hình nhà tạo lập thị trường sẽ sớm được HNX đưa vào triển khai vào đầu năm 2017.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Môi giới Chứng khoán, CTCP Chứng khoán FPT, thanh khoản UPCoM thấp bởi thông tin về các doanh nghiệp trên sàn này còn thiếu, nên nhà đầu tư thiếu thông tin để ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, cổ phiếu sàn UPCoM hiện chưa được giao dịch ký quỹ cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế thanh khoản.

“Vì thế, giải pháp là cần tăng cường minh bạch, khi nhà đầu tư có đủ thông tin, chắc chắn thanh khoản sẽ tốt hơn”, ông Dũng cho hay.

Cũng bàn về một trong các giải pháp tăng thanh khoản cho UPCoM là việc phân bảng cổ phiếu (UPCoM Premium và Bảng cảnh báo nhà đầu tư), bà Nguyễn Ngọc Linh, Chuyên gia phân tích - Phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán VNDIRECT đề xuất, với bảng Premium, nhóm cổ phiếu này chưa thực sự phân chia được doanh nghiệp, vì có những doanh nghiệp nhỏ chỉ cần đạt ROE 5% cũng đủ tiêu chí lọt vào bảng xếp hạng.

Nếu HNX tiếp tục phân bảng, bà Linh kiến nghị, nên rút ngắn lại số lượng cổ phiếu trong bảng Premium để tạo ra những cổ phiếu thuộc nhóm đầu và phân biệt với nhóm còn lại để định hướng rõ ràng hơn cho thị trường. Ngoài ra, một tiêu chí khác mà HNX nên quan tâm khi phân loại cổ phiếu để nhà đầu tư tránh được rủi ro thanh khoản là tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng.              

Tin bài liên quan