Một số doanh nghiệp UPCoM nhiều khả năng lãi khủng trong quý I nhờ chuyển nhượng cổ phần

Một số doanh nghiệp UPCoM nhiều khả năng lãi khủng trong quý I nhờ chuyển nhượng cổ phần

UPCoM: Những doanh nghiệp ước lãi đột biến quý I

(ĐTCK) Quý I/2017 vừa trôi qua và còn khá sớm để ghi nhận kết quả hoạt động chính thức, tuy nhiên, một số doanh nghiệp UPCoM nhiều khả năng có lãi đột biến nhờ các yếu tố đặc biệt.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 vừa diễn ra của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (SGR), ông Đặng Văn Phúc, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I của SGR ước đạt khoảng 15% kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của HĐQT, năm 2017, SGR đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.209 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận quý I của SGR sẽ vào khoảng 30 tỷ đồng. Đây là con số đột biến nếu so sánh với khoản lãi vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng trong quý I/2016 của SGR.

Tuy quý I/2016 khá tệ, nhưng SGR đã có năm kinh doanh 2016 vụt sáng với doanh thu và lợi nhuận rất cao. Cụ thể, doanh thu đạt 1.079 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 273 tỷ đồng, gấp nhiều lần kết quả thực hiện năm 2015 (128,3 tỷ đồng doanh thu và 19,8 tỷ đồng lợi nhuận ròng). “Quả ngọt” này có được là nhờ bán dự án thông qua các công ty con, đáng kể nhất là dự án Saigonres Plaza thông qua Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Nam Đô.

Về cơ bản, Saigonres Plaza đã hoàn tất và bàn giao cho khách hàng vào cuối năm 2016, đưa vào khai thác kinh doanh 741 trên tổng số 749 căn hộ và toàn bộ mặt bằng thương mại. Ông Phúc cho biết, trong năm 2017, doanh thu còn lại của Saigonres Plaza là gần 400 tỷ đồng. Đây có thể sẽ là nguyên nhân chính giúp SGR dự kiến có lãi cao trong quý I.

Cũng theo ông Phúc, để hoàn thành kế hoạch năm, hiện nay Công ty đang triển khai dự án chung cư nhà ở xã hội An Phú Đông, dự án SaiGonres Riverside và hoàn tất thủ tục để triển khai tiếp một số dự án khác trong năm 2017 với tổng mức đầu tư dự kiến là 2.020 tỷ đồng.  

Với kết quả đột biến trong năm 2016, SGR sẽ chia cổ tức ở mức khủng 110%. Trong đó 10% chi trả bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 1:1. Cổ tức của năm 2017 sẽ từ 25 - 30%. Bên cạnh đó, năm nay, SGR thực hiện chào bán 5,4 triệu cổ phiếu nhằm huy động vốn bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh. Vốn điều lệ sau phát hành và chia cổ tức sẽ tăng lên 450 tỷ đồng.

Tại một doanh nghiệp khác, Tổng Công ty cổ phần Đường Sông Miền Nam (SWC) chưa tiết lộ kết quả quý I, tuy nhiên, nhiều khả năng có lãi khủng nhờ nguồn tiền thu về từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần.

Cụ thể, trong tháng 3 vừa qua, SWC công bố đã hoàn tất việc thoái toàn bộ 100% vốn tại 5 công ty là các công ty liên doanh Keppel Land - Watco (I, II, III, IV, V) với tổng giá trị chuyển nhượng được ghi nhận là 845,88 tỷ đồng.

Thực tế, chủ trương thoái vốn của SWC đã được đề ra từ Đại hội đồng cổ đông 2016. Việc Công ty quyết định bán đi toàn bộ 16% cổ phần tại Keppel Land - Watco từ I đến V cho đối tác nước ngoài trong liên doanh này là Tập đoàn Keppel Land (Sinagapore) cũng đồng nghĩa với SWC rút khỏi dự án tòa cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cao cấp Saigon Centre. Điều này cho thấy doanh nghiệp muốn tập trung cho mảng kinh doanh chính của mình.

Với nguồn thu khủng từ bán cổ phần, tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, SWC dự trình kế hoạch tài chính năm 2017 với tổng doanh thu Công ty mẹ đạt 719,5 tỷ đồng, tăng 192,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 491,6 tỷ đồng, gấp 7 lần lợi nhuận năm 2016; tỷ lệ cổ tức năm 2017 dự kiến là 50% bằng tiền mặt. Ngoài ra, SWC cũng trình cổ đông phương án điều chỉnh mức cổ tức tiền mặt 2016 từ 6% (theo Đại hội 2016) lên 10%. 

Tương tự SWC khi hoạt động thoái vốn có thể mang lại khoản lợi nhuận đột biến, cuối tháng 3, một “ông lớn” khác trên sàn UPCoM là Tổng công ty cổ phần Công nghiệp dầu thực vật - Vocarimex (VOC) vừa công bố việc chuyển nhượng 100% phần vốn đầu tư tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Dầu thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam (Noratalic) cho Tập đoàn Musim Mas (Singapore).

Trước đó, Công ty này là liên doanh giữa Vocarimex và Musim Mas và là đơn vị thực hiện Dự án “Nhà máy sản xuất dầu ăn và các sản phẩm được chiết xuất từ dầu ăn” tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư 71,5 triệu USD. VOC không công bố giá trị chuyển nhượng thương vụ này, tuy nhiên, theo Nghị quyết được đưa ra hồi tháng 8 năm ngoái, mức giá dự kiến là 8 triệu USD.

Tin bài liên quan