Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ban hành Bộ nguyên tắc phân bảng UPCoM theo quy mô vốn. Theo đó, bảng cảnh báo nhà đầu tư giữ nguyên, bảng Premium sẽ được thay bằng 3 bảng: large, medium, small, chia doanh nghiệp theo quy mô vốn chủ sở hữu.
Trước đó, bảng UPCoM Premium được vận hành từ ngày 24/6/2016, với 86 cổ phiếu đáp ứng tiêu chuẩn về kết quả kinh doanh và công bố thông tin. Từ đó đến nay, HNX có 3 lần bổ sung, với tổng cộng 30 cổ phiếu mới vào bảng này.
Quyết định phân bảng của HNX nhận được sự tán thành của các thành viên thị trường. Mặc dù vậy, có một số ý kiến băn khoăn về tiêu chí định lượng để doanh nghiệp góp mặt tại UPCoM Premium.
Theo quy định, bên cạnh việc tuân thủ quy định công bố thông tin, doanh nghiệp ở bảng này phải có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên, hoạt động kinh doanh năm liền trước có lãi, không có lỗ lũy kế; hoặc có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước tối thiểu là 5%, không có lỗ lũy kế.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp có ROE trên 5% nhưng quy mô nhỏ khó có thể gọi là “Premium” - tức “chất lượng cao”. Xếp các doanh nghiệp này “chung mâm” với những doanh nghiệp lớn là chưa hợp lý.
Trong khi đó, thời gian qua, số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM tăng cao, hiện đạt 542 doanh nghiệp, tình trạng “lớn nhỏ chung mâm” ngày càng nhiều.
Trong bối cảnh mới, HNX quyết định phân bảng UPCoM theo tiêu chí vốn chủ sở hữu.
Theo Chủ tịch HNX Nguyễn Thành Long, tiêu chí vốn chủ sở hữu phản ánh tương đối chuẩn xác hiện trạng và quy mô hoạt động của doanh nghiệp nên dựa vào đây để phân tách thành các bảng là khá tin cậy, góp phần giúp nhà đầu tư nhận diện “sức khỏe” doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Ngoài ra, việc phân bảng theo cách mới giúp các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch tại UPCoM, hỗ trợ tiến trình cổ phần hóa cũng như giải quyết tình trạng nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhiều năm nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn.
3 bảng phân loại doanh nghiệp mới sẽ chia doanh nghiệp theo các mức vốn chủ sở hữu là dưới 300 tỷ đồng, từ 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng và trên 1.000 tỷ đồng, ngoại trừ các doanh nghiệp thuộc bảng cảnh báo nhà đầu tư.
Xét các tiêu chí trên, thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhóm doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu đạt trên 1.000 tỷ đồng đã hội đủ hầu như tất cả những doanh nghiệp đáng chú ý nhất trên sàn UPCoM hiện nay: có hơn 30 cái tên, trong đó có Vietnam Airlines, ACV, MasanConsumer.
Theo HNX, việc phân bảng UPCoM theo quy mô vốn còn nhằm quản lý, giám sát một lượng hàng hóa mới.
Thực tế, từ đầu năm 2017, HNX đã không còn thực hiện rà soát bổ sung cổ phiếu mới vào bảng UPCoM Premium, dù lượng cổ phiếu mới lên sàn là không nhỏ (127 doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm), trong đó có những doanh nghiệp lớn, đầu ngành.
Với lượng doanh nghiệp đại chúng khổng lồ bên ngoài sàn, quy mô của UPCoM dự báo tiếp tục tăng cao khi có thêm nhiều doanh nghiệp lên đăng ký giao dịch. Trong bối cảnh đó, việc rà soát đến từng doanh nghiệp các tiêu chí về hiệu quả kinh doanh để gắn mác “premium” cho một cổ phiếu là không dễ dàng.
Với bảng cảnh báo nhà đầu tư, việc HNX liên tục rà soát để đưa những cổ phiếu có vấn đề vào bảng này nhằm cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư được thị trường đánh giá cao. HNX đã hạn chế giao dịch và tạm ngừng giao dịch với 62 cổ phiếu.
Đặc biệt, xử lý kiên quyết với các trường hợp doanh nghiệp bị hủy niêm yết tự động xuống đăng ký giao dịch tại UPCoM. Việc hạn chế giao dịch hoặc tạm ngừng giao dịch với các trường hợp doanh nghiệp không khắc phục được nguyên nhân bị đưa vào bảng cảnh báo đã ngăn ngừa việc đẩy rủi ro sang một lớp nhà đầu tư mới.
Liên quan đến việc phân bảng UPCoM mới, một số ý kiến cho rằng, một trong những tiêu chí mà HNX nên quan tâm khi phân loại cổ phiếu là tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Thực tế, có nhiều danh nghiệp hấp dẫn trên UPCoM, nhưng khối lượng giao dịch theo phiên cũng như số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng khó có thể đáp ứng số đông nhà đầu tư tham gia giao dịch. Một cổ phiếu tốt nhưng thanh khoản không đảm bảo để số đông nhà đầu tư tham gia cũng là một bất lợi cho tính thị trường của cổ phiếu.
Bảng UPCoM quy mô lớn (UPCoM Large) bao gồm chứng khoán của các tổ chức đăng ký giao dịch có vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
Bảng UPCom quy mô vừa (UPCoM Medium) bao gồm chứng khoán của các tổ chức đăng ký giao dịch có vốn chủ sở hữu từ 300 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng.
Bảng UPCom quy mô nhỏ (UPCoM Small) bao gồm chứng khoán của các tổ chức đăng ký giao dịch có vốn chủ sở hữu từ 10 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng.