Nguồn hàng lớn
Thống kê của HNX cho thấy, có khoảng hơn 380 DN phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký giao dịch trên TTCK trong năm nay, theo Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN. Đó là số DN HNX thống kê được, con số trên thực tế có thể còn lớn hơn đáng kể.
Nếu số DN trên lên sàn đúng hạn, thì cùng với 199 DN đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM hiện tại, với tổng giá trị vốn hóa hơn 40.000 tỷ đồng, sàn UPCoM có một lượng hàng đáng mơ ước, gần 600 DN. Tiến độ DN lên sàn UPCoM từ đầu năm đến nay, theo HNX, đang có tín hiệu tích cực. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, có 14 DN nộp hồ sơ đăng ký giao dịch lên UPCoM, với giá trị đăng ký 3.600 tỷ đồng, trong đó có 7 DN có vốn điều lệ hơn 120 tỷ đồng. 5/14 DN thuộc diện phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký giao dịch theo Quyết định 51/2014.
Trả lời câu hỏi của báo giới rằng, tín hiệu DN tích cực lên sàn có phải do sức ép của quy định hành chính, cụ thể là Quyết định 51/2014 hay không, Phó Tổng giám đốc HNX Nguyễn Anh Phong cho rằng, đúng là có yếu tố này. Tuy nhiên, còn một tín hiệu tích cực khác cũng đang góp phần thu hút các DN quan tâm hơn đến đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
“Nếu như năm 2009, giá trị giao dịch bình quân trên UPCoM chỉ 1 - 2 tỷ đồng/phiên, thì 6 tháng đầu năm 2015, con số này tăng lên 40,7 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản tăng mạnh, cùng với ngày càng có nhiều DN có vốn lớn, có hiệu quả kinh doanh tốt lên giao dịch trên sàn UPCoM, đang tạo ra sức hấp dẫn, không chỉ thu hút các DN gia tăng đăng ký lên sàn, mà còn thu hút NĐT quan tâm hơn đến tham gia giao dịch trên UPCoM”, ông Phong nói.
Trong số những “ông lớn” sắp lên sàn UPCoM, đại diện HNX cho biết, có Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch và đang hoàn tất những khâu cuối cùng để lên sàn.
Cập nhật của HNX cho thấy, trong tổng số 199 DN đang đăng ký giao dịch trên UPCoM, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014, có 169 DN (85%) kinh doanh có lãi, với tổng giá trị lãi hơn 5.000 tỷ đồng; 110 DN (56%) có tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) hơn 7%; 57 DN (29%) có EPS hơn hoặc bằng 1.000 đồng/CP; 60 DN (30%) trả cổ tức cao hơn hoặc bằng 6%.
“Làm mới” Upcom
Để cải thiện tính hấp dẫn cho sàn UPCoM, nhằm thu hút các DN lên sàn, cũng như NĐT tham gia giao dịch, ông Phong cho biết, HNX lên kế hoạch triển khai một số giải pháp mới.
Theo đó, ngoài việc đang tính toán phương án giới thiệu các chỉ số dựa trên cổ phiếu UPCoM, HNX cũng đang nghiên cứu thay đổi cách tính chỉ số UPCoM để khắc phục tình trạng khá nhiều cổ phiếu hiện có mức vốn hóa lớn, nhưng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (tỷ lệ free float) thấp, nên phản ánh không hoàn toàn chuẩn xác diễn biến của thị trường. Chỉ số mới sẽ được tính toán trên nguyên tắc giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ free float.
Ông Phong cho biết, HNX cũng đang nghiên cứu giải pháp phân bảng thị trường UPCoM. Theo đó, các cổ phiếu tiệm cận các điều kiện niêm yết trên Sở GDCK như có vốn hóa lớn, hiệu quả kinh doanh tốt, minh bạch thông tin cao… sẽ được khu biệt thành một bảng để một mặt khích lệ các DN này tiếp tục hoạt động kinh doanh tốt, cải thiện chất lượng quản trị DN, minh bạch thông tin hơn, đồng thời là chỉ báo để NĐT tiện theo dõi, đầu tư. Ngoài ra, việc phân bảng sẽ căn cứ vào các tiêu chí về ngành, vốn hóa, mức độ minh bạch thông tin…
Theo phản ánh của các thành viên thị trường, biên độ giao dịch trên sàn UPCoM hiện tại là 10%, bằng biên độ trên HNX. Điều này khiến NĐT đánh giá sàn UPCoM kém hấp dẫn. Ông Phong cho rằng, đánh giá này của NĐT là đáng ghi nhận, nên HNX đang xây dựng phương án mở rộng biên độ giao dịch, để đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai.
Theo HNX, trong tổng số 199 DN đang đăng ký giao dịch trên UPCoM, thì 51 DN có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên, 94 DN có vốn điều lệ từ 30 đến dưới 120 tỷ đồng, 54 DN có vốn dưới 30 tỷ đồng. |