Cổ phiếu tăng giá, giao dịch sôi động
Mặc dù dòng tiền còn khá ngập ngừng sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, UPCoM-Index vẫn có 2 phiên tăng điểm, duy trì chuỗi tăng điểm với phiên thứ 6 liên tiếp, từ mức 53,26 điểm ngày 20/1 lên 55,31 điểm phiên ngày 3/2.
Phiên 3/2, khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 3,057 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị giao dịch là 68,31 tỷ đồng. Phiên trước đó (2/2), khối lượng giao dịch đạt 2,42 triệu đơn vị, trị giá 61,15 tỷ đồng.
Các mã lớn trên UPCoM duy trì thanh khoản tích cực, trong đó ACV dẫn đầu với 1,36 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trong 2 phiên vừa qua; khối lượng giao dịch của SDI là 339.279 đơn vị, VOC là 233.640 đợn vị, HVN là 226.828 đơn vị, QNS là 212.011 đơn vị.
Về diễn biến giá, một loạt cổ phiếu duy trì sắc xanh trong cả 2 phiên như: ACV tăng từ 49.900 đồng/CP lên 50.500 đồng/CP, HVN tăng từ 38.500 đồng/CP lên 38.600 đồng/CP, VOC tăng từ 27.400 đồng/CP lên 28.200 đồng/CP, MSR từ 13.400 đồng/CP lên 13.600 đồng/CP, QNS tăng từ 107.200 đồng/CP lên 110.600 đồng/CP.
Kết quả giao dịch này phần nào nằm trong dự báo của các công ty chứng khoán. Theo đó, sau kỳ nghỉ Tết, nhà đầu tư phản ứng tích cực với thông tin kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2016, giúp thị trường duy trì xu hướng tăng giá.
… nhờ tin tốt về kết quả kinh doanh
Những doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý IV/2016 thời điểm trước và sau Tết đáng chú ý là VOC, VLC, SDI, ACV, GEX. Các doanh nghiệp này đều đạt kết quả kinh doanh khả quan.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2016, VOC ghi nhận lãi hợp nhất 49,7 tỷ đồng, tăng 71,3% so với cùng kỳ năm 2015; lũy kế cả năm đạt gần 340 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 28 tỷ đồng so với năm 2015 và vượt xa kế hoạch (140 tỷ đồng).
Những ngày đầu năm 2017, có thêm nhiều doanh nghiệp chào sàn UPCoM, lũy kế đến ngày 3/2/2017 có tổng cộng 454 doanh nghiệp trên UPCoM, giá trị vốn hóa đạt hơn 417.100 tỷ đồng và có hơn 150 bộ hồ sơ doanh nghiệp đang chờ xét duyệt lên sàn.
Đây là những con số ấn tượng cho thấy mức độ tăng trưởng của UPCoM. Thực ra, đây là xu thế tất yếu, điều mà cơ quan quản lý thị trường đã có thể dự báo trước từ khi bắt tay xây dựng UPCoM.
Trong khi đó, ACV lãi hơn 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2016, vượt trội so với 2 quý trước (quý II lỗ 123,7 tỷ đồng, quý III lãi 804 tỷ đồng), sau khi chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 4/2016.
Với quý IV/2016 tương đối khởi sắc, VLC, SDI và GEX ghi nhận kết quả sơ bộ cả năm 2016 có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, VLC lãi quý IV/2016 gần 30 tỷ đồng, cả năm đạt 209 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2015. SDI trong quý IV có lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 360 tỷ đồng, tăng hơn 60 tỷ đồng so với quý IV/2015, nhờ đó cả năm lãi ròng 802 tỷ đồng, tăng 49,3% so với năm 2015 (537 tỷ đồng). Với GEX, trong quý IV/2016, doanh nghiệp này đạt 75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 20 tỷ đồng so với quý IV/2015; lũy kế cả năm đạt 576 tỷ đồng, tăng 26,4% so với năm 2015.
Nhiều cơ hội đầu tư
Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn nhận định, năm 2017 sẽ có nhiều cơ hội cho những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị.
Theo ông Hưng, các cơ hội đầu tư sẽ thuộc về các nhóm cổ phiếu gồm những công ty đầu ngành trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, có lịch sử người đứng đầu và bộ máy chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, mức tăng trưởng đều đặn trong các năm.
Ngoài ra, cổ phiếu của các doanh nghiệp cổ phần hóa, những doanh nghiệp có tài sản đang được định giá thấp, có mạng lưới phân phối mạnh, thương hiệu nhiều người biết đến, cổ phiếu của doanh nghiệp đang là đối tượng mua bán - sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp khác, qua đó nâng sở hữu lên 51% hay 65% nhằm thực hiện chiến lược hợp nhất cũng mang đến cơ hội tốt cho nhà đầu tư.
Soi chiếu cơ hội này trên sàn UPCoM, nhiều ý kiến đánh giá, UPCoM đang có không ít cổ phiếu đáng chú ý thuộc các nhóm trên.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt, cổ phiếu có yếu tố cơ bản trên 2 sàn niêm yết đã có mức tăng giá khá mạnh trong thời gian qua. Mức giá hiện tại chưa phải là đắt, nhưng đang ở mức cao. Trong khi đó, chỉ số P/E toàn thị trường đang ở Top trên trong các thị trường thuộc nhóm thị trường cận biên (Frontier Market). Do đó, nhiều khả năng dòng tiền sẽ chuyển hướng sang sàn UPCoM, với không ít lựa chọn chất lượng.
Cơ hội trên UPCoM cũng đến từ các doanh nghiệp cổ phần hóa, có lợi thế cạnh tranh, có đôi chút yếu tố độc quyền và Nhà nước đã có kế hoạch thoái vốn.
Ông Bình cho rằng, cơ hội trên UPCoM đã xuất hiện trong năm 2016 và năm 2017 chỉ là sự tiếp nối. Cú huých lớn nhất với UPCoM trong năm 2017 là quy định gắn hoạt động đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán với đăng ký giao dịch cổ phần của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa tại Thông tư số 115/2016/TT-BTC. Thực tế, thông tư này có hiệu lực từ 1/11/2016, nhưng năm 2017 sẽ có nhiều đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp lớn, tạo ra lượng hàng hóa mới cho UPCoM.
Theo nhận định của một số chuyên gia, trong năm 2017, cục diện thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi, với sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu mới trên sàn, đặc biệt là những cổ phiếu lớn như VEAM, Petrolimex và nhiều công ty lớn tiến hành IPO như MobiFone, VinaPhone, Lọc dầu Dung Quất, PVOil.
Trong tháng 2 này, một số doanh nghiệp sẽ chào sàn UPCoM là Công ty cổ phần Cơ khí Thủy sản đóng tàu Việt Nam (FSO), Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (MSC), Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (SEP).
HNX sẽ cải tiến phân bảng giao dịch trên UPCoM
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)
Tính đến ngày 30/12/2016, tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM đạt gần 356,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cuối năm 2015. Giá trị giao dịch trung bình phiên năm 2016 là 127,28 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015. Trong đó, khối nhà đầu tư nước ngoài tăng cường tham gia giao dịch, giá trị mua ròng trong năm 2016 tăng mạnh so với những năm trước đó.
Về vấn đề thanh khoản tại UPCoM, cần nhìn nhận trong mối tương quan giữa vốn hóa bình quân và giá trị giao dịch. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp mặc dù là công ty đại chúng có cổ phiếu giao dịch trên UPCoM, nhưng tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước hoặc tỷ lệ cổ phiếu bị hạn chế giao dịch vẫn rất lớn, có những doanh nghiệp gần như không có cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Nếu loại bỏ phần cổ phiếu không được tự do chuyển nhượng, tương quan giá trị giao dịch trung bình phiên với vốn hóa bình quân của UPCoM tương đương với thị trường niêm yết.
Tuy nhiên, HNX vẫn chủ trương tìm các giải pháp để nâng thanh khoản UPCoM như: thu hút nhiều doanh nghiệp mới lên UPCoM, tăng cường chất lượng công bố thông tin, đưa quy định về nhà tạo lập thị trường với cơ chế ưu đãi phí cho công ty chứng khoán thực hiện giao dịch tạo lập thị trường (quy định về phí giao dịch mới vừa được Bộ Tài chính ban hành đã cho phép phí dành cho nhà tạo lập thị trường chỉ bằng 20% so với phí giao dịch tự doanh), duy trì biên độ dao động giá cao, nghiên cứu xây dựng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up)… để tăng sức hấp dẫn cho thị trường.
Đặc biệt, chúng tôi đang chuẩn bị cải tiến phân bảng giao dịch trên UPCoM, sắp tới sẽ có các bảng: blue-chips, doanh nghiệp vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lợi nhuận cao. Việc phân bảng này nhằm tăng tính hấp, hỗ trợ và định hướng tốt hơn cho các đối tượng tham gia thị trường. Theo thời gian, giống như các thị trường khác, sức hấp dẫn của UPCoM sẽ tăng lên nhiều hơn.