Việc mua bán cổ phiếu tại UPCoM gặp khó khăn khi CTCK ngại xé lệnh.

Việc mua bán cổ phiếu tại UPCoM gặp khó khăn khi CTCK ngại xé lệnh.

UPCoM chỉ là nơi ở trọ?

(ĐTCK-online) Thanh khoản đang là vấn đề khiến nhiều NĐT nản lòng khi đầu tư trên sàn UPCoM. Điều đó cũng tạo áp lực chuyển sàn lên các DN đã “trót” đặt chân vào đây.

Biến động cùng chiều với thị trường niêm yết, ngày 3/3 thị trường đăng ký giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (UPCoM) có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Mặc dù tăng điểm, nhưng số cổ phiếu có giao dịch tại sàn này chiếm chưa đầy 50% tổng số cổ phiếu đăng ký giao dịch. Thanh khoản đang là vấn đề khiến nhiều NĐT nản lòng khi đầu tư trên sàn UPCoM. Điều đó cũng tạo áp lực chuyển sàn lên các DN đã “trót” đặt chân vào đây. 

Ở trọ

CTCK Tràng An là DN đầu tiên trong năm mới lên niêm yết tại HNX sau khi hủy giao dịch tại sàn UPCoM. Sở dĩ DN này lên UPCoM vì năm 2008 bị lỗ. Năm 2009 có lãi cùng với việc khớp lệnh kém linh hoạt tại UPCoM đã khiến TAS quyết định chuyển sàn. Sau khi chuyển sàn, thanh khoản của TAS đã tăng lên đáng kể.

Một CTCK khác cũng đang có kế hoạch chuyển lên niêm yết tại HNX là CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APS). Dự kiến trong năm 2010, APS sẽ chuyển sang niêm yết.

CTCP Hưng Đạo Container (UPCoM: HDO) đang hoàn tất thủ tục chuyển niêm yết từ sàn UPCoM lên sàn HNX. Lý do chuyển sàn được ông Trần Thanh Xuân, Phó Giám đốc đầu tư của Công ty lý giải, sau hơn 2 tháng niêm yết trên UPCoM, tính thanh khoản của cổ phiếu HDO rất thấp, không đáp ứng được kỳ vọng của các cổ đông, nên ban lãnh đạo Công ty quyết định chuyển sàn niêm yết. Nếu thuận lợi, trong 3 tháng tới, HDO sẽ hoàn tất việc chuyển sàn.

Không chỉ các DN trên, nhiều DN cũng xác định trước khi lên niêm yết sẽ thực hiện đăng ký giao dịch tại UPCoM như: CTCP Bảo hiểm Nông nghiệp, CTCP Khoáng sản Cavico, CTCP Chứng khoán SME... Mỗi DN một lý do, nhưng phổ biến là do không làm kịp hồ sơ hoặc do năm trước đó bị lỗ buộc phải vào UPCoM, sau khi khắc phục tình trạng này sẽ chuyển niêm yết… Như vậy UPCoM chỉ là bước đệm trước khi lên niêm yết của nhiều DN.

 

Nhiều CTCK chưa thực hiện vai trò nhà tạo lập thị trường

Theo danh sách của HNX, 5 CTCK có thị phần môi giới UPCoM lớn nhất là SME, TAS, Rồng Việt, Châu Á Thái Bình Dương, VCBS. Trong số này duy nhất VCBS không có cổ phiếu giao dịch tại UPCoM. 4 công ty còn lại chiếm gần 50% thị phần môi giới đều đăng ký giao dịch tại đây. Điều này cũng dễ hiểu, bởi việc đăng ký giao dịch cổ phiếu đồng thời là đơn vị bảo trợ khiến các CTCK này có động lực để tạo thanh khoản hơn.

Theo phản ánh của nhiều NĐT, hiện việc mua bán cổ phiếu tại UPCoM gặp khó khăn khi CTCK ngại xé lệnh. Điều này khiến giao dịch trên UPCoM khó thành công hơn thị trường OTC. Chẳng hạn trên thị trường OTC, NĐT sở hữu 10.000 cổ phiếu có thể xé lẻ bán dần miễn sao gặp được người mua. Tuy nhiên giao dịch trên UPCoM muốn bán lẻ cũng không được nếu CTCK không thực hiện xé lệnh. Việc cùng một thời điểm có người bán, người mua cùng khối lượng là điều rất khó. Một môi giới OTC cho biết, CTCK cũng muốn tạo thanh khoản trên UPCoM để gia tăng nguồn thu nhưng việc xé lệnh gặp không ít trở ngại. Chẳng hạn, lượng cổ phiếu lẻ sau khi xé lệnh không có người mua thì CTCK sẽ phải đứng ra “ôm”. Nhưng không phải cổ phiếu nào giao dịch trên UPCoM cũng có thanh khoản tốt và đáp ứng đủ các tiêu chí cổ phiếu tự doanh của CTCK nên việc mua lại cổ phiếu này là không thể. Ngay cả các CTCK đứng ra bảo trợ cho chứng khoán lên giao dịch cũng ngần ngại xé lệnh giao dịch các cổ phiếu này thì với cổ phiếu khác trên UPCoM, họ không thúc đẩy giao dịch cũng là điều dễ hiểu.

Giao dịch trên UPCoM vai trò của các CTCK với tư cách nhà tạo lập thị trường là rất lớn. Đến nay, bộ tiêu chí nhà tạo lập thị trường với trách nhiệm và lợi ích cụ thể vẫn chưa được cơ quan quản lý ban hành khiến các CTCK chưa  thực sự vào cuộc. Nhiều CTCK đã kiến nghị HNX đổi mới phương thức khớp lệnh trên UPCoM: cho khớp lệnh liên tục thay vì giao dịch thỏa thuận như hiện nay. Cách làm này mặc dù khác biệt so với hướng ban đầu (thị trường vận hành chủ yếu dựa vào các nhà tạo lập thị trường) nhưng cái được là thanh khoản tốt, thu hút NĐT và DN lên giao dịch. Được biết, hiện các kiến nghị vẫn đang nằm trên bàn Bộ Tài chính. Do vậy, làn sóng chuyển từ đăng ký giao dịch sang niêm yết là điều khó tránh khỏi.