Đầu năm 2023, không chỉ xuất khẩu gặp khó mà nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh.

Đầu năm 2023, không chỉ xuất khẩu gặp khó mà nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh.

UOB: Kỳ vọng GDP năm 2023 tăng 6%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, dù xuất khẩu chưa thể lạc quan, đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chậm lại, nhưng thông tin tích cực là lĩnh vực dịch vụ dần phục hồi, các chính sách cơ cấu nợ, điều chỉnh các mức lãi suất mới đây đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. 

Ông đánh giá thế nào về tác động từ sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ đến ngành tài chính thế giới và Việt Nam?

Trong tháng 3/2023, liên tiếp 3 ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank, Silvergate Bank đã tuyên bố phá sản. Do SVB được xếp hạng là một trong 20 ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ nên sự sụp đổ của ngân hàng này đã làm dấy lên lo ngại về những rủi ro sẽ xảy ra trong ngành và các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, rủi ro đã được giảm thiểu nhờ các biện pháp kết hợp được Kho bạc Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) công bố kịp thời để hỗ trợ hệ thống tài chính.

Chính phủ Mỹ đã có ngay những thông báo đảm bảo toàn bộ số tiền cho người gửi tiền. Các động thái phản ứng chính sách đã làm giảm đáng kể sự lo lắng của người gửi tiền trên toàn bộ hệ thống ngân hàng, tránh được sự suy giảm niềm tin và rủi ro trên toàn hệ hệ thống. Những can thiệp bước đầu từ Chính phủ Mỹ để ngăn chặn các rủi ro lây lan tiềm ẩn đã giúp tâm lý thị trường dịu đi.

Sau gần 2 tháng kể từ khi SVB sụp đổ, các dấu hiệu cho thấy sự kiện này ít tác động đến thị trường tài chính châu Á, trong đó có Việt Nam. Thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng của các nước châu Á phản ứng tương đối bình tĩnh trước sự đổ vỡ của một số ngân hàng Mỹ.

Kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và cả những vấn đề nội tại. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hiện tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông nhận định gì về những động thái chính sách mới nhất của Ngân hàng Nhà nước?

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, không chỉ xuất khẩu gặp khó mà nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh, khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.

Nhu cầu vốn của nhiều doanh nghiệp trong không ít lĩnh vực chững lại. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 2,06%.

Mới đây nhất, vào ngày 24/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Theo đó, tất cả các khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng phục vụ đời sống sẽ được giãn nợ.

Những khoản vay phát sinh trước ngày 24/4/2023 có hạn trả nợ và/hoặc lãi từ ngày 24/4/2023 đến 30/6/2024 sẽ được giãn nợ tối đa là 12 tháng. Chính sách này được cả doanh nghiệp và các ngân hàng mong chờ.

Trước đó, vào ngày 14/3/2023, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, ngành ngân hàng Mỹ và châu Âu đối mặt với khủng hoảng niềm tin, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành.

Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm 100 điểm cơ bản, từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm 100 điểm cơ bản, xuống 6%/năm và giảm trần lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Các lãi suất được điều chỉnh.

Các lãi suất được điều chỉnh.

Mới đây nhất, ngày 23/5, NHNN tiếp tục có quyết định giảm các mức lãi suất điều hành từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Đồng thời, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Trong khi đó, ở chiều tác động từ bên ngoài, có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định quay lại thị trường sau các rối loạn gần đây trong hệ thống ngân hàng của Mỹ và châu Âu (sự sụp đổ của SVB và việc UBS mua lại Credit Suisse) và Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Những chính sách trong nước về lãi suất, giãn nợ cùng với các tín hiệu lạc quan hơn từ bên ngoài đã tạo thêm niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng phục hồi sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Điều này, theo ông, tạo hiệu ứng ra sao tới tỷ giá và lạm phát?

VND nổi bật là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á. Bất chấp những thay đổi đáng kể trong kỳ vọng tăng lãi suất của Fed, lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như tình trạng rối loạn của hệ thống ngân hàng Mỹ, VND giao dịch trong biên độ hẹp 0,8%, quanh mức 23.600 VND/USD. Tín hiệu lạc quan khác chính là Ngân hàng Nhà nước cắt giảm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất tái chiết khấu vào ngày 16/3/2023, sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp trong những tháng tới, kết hợp với lạm phát giảm sẽ giúp giữ ổn định cho VND.

Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng, cặp USD/VND sẽ dao động cùng quỹ đạo như tỷ giá đồng USD so với các đồng tiền châu Á khác, có thể tăng nhẹ trong quý II/2023 trước khi giảm xuống trong quý III/2023. Chúng tôi dự báo, tỷ giá USD/VND ở mức 23.800 trong quý IV năm nay và 23.600 trong quý đầu năm sau.

Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng. Hướng tập trung của Ngân hàng Nhà nước rõ ràng sẽ là tập trung quản lý lạm phát trong nước, bởi lạm phát cơ bản trong tháng 3/2023 tăng 0,22% so với tháng liền trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%).

Ông dự báo ra sao về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm nay?

Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý I/2023 giảm xuống mức 3,32% so với cùng kỳ, từ mức 5,92% trong quý IV/2022, thua xa mức dự báo chung cũng như mức dự báo của chúng tôi.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nguồn: UOB Global Economics & Market Research.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nguồn: UOB Global Economics & Market Research.

Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tăng trưởng thấp là do lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng âm với mức giảm 0,4%, lần đầu tiên kể từ quý III/2021. Tình trạng xuất khẩu đi xuống của Việt Nam vẫn chưa kết thúc bởi nhu cầu toàn cầu còn suy yếu cho cả năm 2023, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến lượng đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Tổng cục Thống kê dự báo rằng, quý II/2023, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của cả năm 2023 là một thách thức lớn.

Dù xuất khẩu chưa thể lạc quan trong nhiều tháng tới, đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều dấu hiệu trì trệ, nhưng thông tin tích cực là lĩnh vực dịch vụ đang dần phục hồi. Tuy nhiên, đà tăng trưởng về tổng thể nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2023, với việc quý I khởi đầu ở mức thấp có thể sẽ kìm hãm kết quả tăng trưởng của cả năm. Do đó, trong báo cáo mới nhất cuối tháng 3/2023, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Việt Nam xuống mức 6% so với dự báo trước đó là 6,6% và so với dự báo chính thức của Chính phủ là 6,5%.

Dự báo này dựa trên giả định GDP trong quý II/2023 phục hồi lên mức 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tốc độ tăng trưởng trung bình là 7,4% so với cùng kỳ trong nửa sau của năm 2023, nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi và các hoạt động dịch vụ trong nước được đẩy mạnh.

Tin bài liên quan