Ngoài danh tiếng, công ty mẹ của United Airlines - United Continential Holdings có thể sẽ còn mất nhiều hơn nữa tại Trung Quốc, sau đoạn video đầu tuần này cho thấy một hành khách của hãng bị ép xuống máy bay bằng cách kéo lê. Trung Quốc hiện là thị trường mang lại doanh thu lớn thứ nhì cho hãng này.
Hashtag #UnitedAirlinesforcespassengeroffplane (United buộc hành khách rời máy bay) đang là chủ đề được quan tâm nhất 2 ngày qua trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Rất nhiều bình luận cho rằng hành khách gốc Á này bị đối xử như vậy là vì phân biệt chủng tộc. Phát ngôn viên của United Airlines - Charlie Hobart sau đó đã bác bỏ cáo buộc rằng người đàn ông được chọn rời khỏi chuyến bay vì gốc gác châu Á.
Dù vậy, việc này vẫn không khiến người Trung Quốc hết giận dữ. Nhiều người đã đồng loạt kêu gọi tẩy chay hãng này. Người dùng BJ Shizilu còn đăng ảnh cắt thẻ tích lũy dặm bay của United. "Dù hành khách này là người châu Á hay không, việc này cũng không thể chấp nhận được", một người khác tên Koukou Liang bình luận.
Tài khoản mạng xã hội của Richard Liu - CEO hãng thương mại điện tử Trung Quốc - JD.com cũng phàn nàn về dịch vụ của United. Ông cho rằng đây là hãng bay tệ nhất thế giới.
Làn sóng tẩy chay từ Trung Quốc sẽ khiến United phải đau đầu, do hãng này hiện diện khá lớn tại Trung Quốc. United Airlines là hãng bay lớn nhất của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, thực hiện khoảng 20% chuyến bay giữa hai nước, tương đương gần 100 chuyến mỗi tuần.
Năm ngoái, Trung Quốc đóng góp 6,1% trên tổng doanh thu 36,6 tỷ USD của United Airlines, theo hãng nghiên cứu FactSet. Con số này tương đương 2,2 tỷ USD, gần gấp đôi các đối thủ khác tại Mỹ.
Delta Air Lines năm ngoái chỉ thu về 1,3 tỷ USD từ Trung Quốc. Trong khi đó, American Airlines có 804 triệu USD từ thị trường này.
Scandal này nổ ra đúng thời điểm các hãng hàng không đang hưởng lợi lớn từ quốc gia đông dân nhất thế giới. Tầng lớp trung lưu tại đây đang ngày càng tăng mạnh, kéo theo nhu cầu đi máy bay. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Trung Quốc sẽ vượt Mỹ thành thị trường lớn nhất thế giới về số hành khách năm 2024.
United Airlines đang rất cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng truyền thông hiện tại. CEO Oscar Munoz đã đưa ra nhiều lời xin lỗi sau sự việc trên và cam kết sẽ "có cuộc đánh giá toàn diện" về chính sách hiện tại và "sẽ làm tốt hơn".
Dù vậy, mọi việc có thể đã quá muộn. "Các hãng hàng không thường rất chậm chạp trong việc thích ứng với môi trường truyền thông mới. Kể cả hiện tại, họ cũng không mấy khi hành động đủ nhanh", John Bailey - Giám đốc hãng truyền thông Ketchum nhận xét.