Hãng bán lẻ thời trang Nhật Bản - Fast Retailing đang lên kế hoạch tăng hiện diện tại Mỹ. Các máy bán hàng tự động sẽ được lắp trong 2 tháng tới tại New York, Houston, Oakland, California và nhiều thành phố khác.
Chúng có chi phí vận hành thấp hơn cửa hàng truyền thống và là cách tiện lợi để bán các loại quần áo cơ bản, tiện mang theo cho những khách hàng bận rộn.
“Tại sân bay, bạn không có nhiều thời gian thăm thú cửa hàng và xếp hàng chờ thanh toán đâu”, Marisol Tamaro - Giám đốc Marketing của Uniqlo tại Mỹ cho biết.
Mỗi chiếc máy cao khoảng 1,8m, sẽ bán áo giữ nhiệt và áo khoác siêu nhẹ. Sự hạn chế này cho phép Uniqlo đưa vào nhiều cỡ áo và màu sắc hơn. Sản phẩm sẽ được đóng hộp và có thể trả lại tại các cửa hàng hoặc qua bưu điện. Uniqlo kỳ vọng việc này sẽ giúp tăng danh tiếng của hãng tại Mỹ.
Fast Retailing hiện sở hữu hơn 1.700 cửa hàng Uniqlo tại châu Á và từng lên kế hoạch mở hàng trăm cửa hàng tại Mỹ.
Tuy nhiên, quá trình này đã giảm tốc từ năm 2015, do các cơ sở Mỹ không mang lại doanh thu như kỳ vọng, đặc biệt tại các vùng ngoại ô. Năm 2014, Fast Retailing từng cân nhắc mua J. Crew Group nhưng bất thành.
Họ hiện tập trung phát triển thương mại điện tử và cửa hàng truyền thống tại các thành phố lớn ở đây. Uniqlo có 45 cửa hàng tại Mỹ.
Ngoài Uniqlo, chuỗi cửa hàng Best Buy cũng đã có 183 máy bán hàng, chủ yếu tại sân bay. Hãng cho biết những máy này đem về hàng triệu USD doanh thu.
Nhiều công ty khác, như Benefit Cosmetics cũng đang thử đặt các máy này ở sân bay để tận dụng thời gian khách chờ chuyến. Trước đó, Uniqlo cũng đã có các máy tương tự, chủ yếu phục vụ marketing, tại Singapore và nhiều nước khác.
Sam Cinquegrani - sáng lập viên hãng dịch vụ số ObjectWave cho rằng máy bán hàng của Uniqlo là một trò may rủi. “Việc mua hàng càng liên quan nhiều đến cảm xúc, các công nghệ như máy bán hàng càng khó thành công”, anh giải thích.
Dù vậy, Marshal Cohen - nhà phân tích bán lẻ tại NPD Group lại cho rằng: “Ngày nay, sự tiện lợi còn quan trọng hơn cảm giác và sự tương tác trực tiếp. Tương tác không còn là vấn đề lớn nữa”.
Các chuỗi bán lẻ thời trang tại Mỹ đã gặp khó nhiều năm nay, do dư thừa cửa hàng và người tiêu dùng chuyển sang thương mại điện tử.
Kể cả các thương hiệu online cũng ngần ngại mở cửa hàng truyền thống và chỉ sử dụng các hợp đồng thuê ngắn hạn để đánh giá lượng khách.