Unilever cam kết giảm 50% việc sử dụng nhựa nguyên sinh đến năm 2025

Unilever cam kết giảm 50% việc sử dụng nhựa nguyên sinh đến năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Báo cáo tiến độ cam kết toàn cầu 2021, các thương hiệu và nhà bán lẻ liên quan đã cùng nhau giảm mức tiêu thụ nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì ở năm thứ hai kể từ khi các thỏa thuận đi vào hoạt động.

Quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn nữa với những cam kết mới, nhằm thực hiện giảm 20% việc sử dụng nhựa nguyên sinh so với năm 2018 trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Unilever cam kết giảm 50% việc sử dụng nhựa nguyên sinh đến năm 2025 (một trong số đó thông qua việc loại bỏ hơn 100.000 tấn nhựa khỏi bao bì), đồng thời thiết kế tất cả các loại bao bì sản phẩm đảm bảo có thể tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy hoàn toàn.

Hiện nay, Công ty đang thực hiện khá tốt theo lộ trình đặt ra. Công ty cũng đã thực hiện ký kết các thỏa thuận, bao gồm Cam kết toàn cầu về nền kinh tế nhựa mới nhằm xóa bỏ chất thải và ô nhiễm nhựa tại nguồn, và nhiều Hiệp định về nhựa khác với mục đích kêu gọi các Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và doanh nghiệp cùng chung tay để đẩy nhanh tiến độ tái sử dụng và thay đổi mục đích sử dụng nhựa. Hiện nay, các thỏa thuận này đang được thực thi.

Cùng với hơn 70 doanh nghiệp khác, Unilever đang kêu gọi một hiệp ước Liên Hiệp Quốc đầy tham vọng và mang tính ràng buộc về pháp lý - dựa trên nền kinh tế tuần hoàn - để giải quyết ô nhiễm nhựa trên quy mô toàn cầu, tương tự như Thỏa thuận Paris đã giúp thế giới cùng thực hiện lộ trình giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Unilever cũng tin rằng, cần có những ràng buộc pháp lý và các mục tiêu bắt buộc nhằm hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh, thậm chí ở cấp Chính phủ tại mỗi quốc gia. Việc đảm bảo mọi quốc gia tham gia và tuân thủ sẽ mở ra những hạng mục đầu tư cần thiết để mở rộng quy mô đổi mới, cơ sở hạ tầng và kỹ năng cho những khu vực cần được hỗ trợ nhất. Unilever đã có các giải pháp cần thiết để đến năm 2040 có thể giảm khoảng 80% lượng nhựa thải ra đại dương hàng năm.

Báo cáo “Phá vỡ làn sóng nhựa” của The Pew Charity Trusts đã chỉ ra, việc thiếu các giải pháp kỹ thuật không phải là yếu tố cản trở chúng ta giải quyết ô nhiễm nhựa, mà chính là khuôn khổ pháp lý, mô hình kinh doanh và cơ chế tài trợ còn chưa hoàn thiện.

“Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng để thiết lập một hiệp ước đầy tham vọng của Liên Hiệp Quốc về nhựa. Một bản hiệp ước nêu rõ việc cắt giảm sản xuất nhựa nguyên sinh, thúc đẩy quan hệ hợp tác để thực hiện các giải pháp mang tính hệ thống và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu”, ông Alan Jope, Giám đốc Điều hành Unilever cho biết.

Tin bài liên quan