Mạng xã hội “đánh sập” một số ngân hàng phương Tây
Năm 2022 là năm sóng gió với các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam do các tin đồn liên quan tới lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết có nguy cơ dính vào lao lý, điều này đã khiến năm 2022 trở thành một năm tồi tệ đối với thị trường chứng khoán. Đợt bán tháo đã diễn ra liên tục kéo dài và cho tới ngày 15/11/2022, thị trường mới tạo đáy trung hạn sau các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, giúp kinh tế hồi phục và thị trường tài chính - chứng khoán phát triển lành mạnh hơn.
Trái với diễn biến hồi phục tốt của thị trường Việt Nam, thị trường chứng khoán toàn cầu trong giai đoạn đầu năm 2023 lại chứng kiến sự sụp đổ có hệ thống của các ngân hàng lớn trên thế giới. Trong đó, ở Mỹ là các ngân hàng như Silicon Valley Bank (SVB), First Republic Bank, Signature Bank… và tại châu Âu là Credit Suisse gặp khó và buộc phải bán mình cho UBS.
Điểm chung của các ngân hàng lớn này là đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, dẫn tới danh mục đầu tư chứng khoán (chủ yếu liên quan tới trái phiếu) thua lỗ hoặc do các khách hàng chủ chốt liên quan tới tiền điện tử sụp đổ do các Chính phủ đẩy mạnh quản lý thị trường tiền điện tử.
Trong trường hợp bình thường, các ngân hàng nói trên vẫn “cầm cự” và chờ cho danh mục đầu tư ổn định trở lại, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường nếu không có biến cố nào đột biến liên quan tới thanh khoản của ngân hàng.
Nhưng, trong thời kỳ mạng xã hội bùng nổ, thông tin về sức khoẻ ngân hàng gặp khó khăn đã nhanh chóng lan rộng, châm ngòi cho làn sóng rút tiền gửi ồ ạt trong thời gian ngắn (bank run) khiến các ngân hàng này gặp khó thanh khoản và lâm vào cảnh phá sản, phải bán mình cho các đơn vị khác.
Nhận thức được nguy hiểm của mạng xã hội, các thông tin không chính thống lan truyền nhanh chóng qua bài học kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của Credit Suisse, Silicon Valley Bank, First Republic Bank, Signature Bank, các tổ chức tài chính lớn đã nhanh chóng đưa ra cách ứng xử để thích ứng với bối cảnh mới. Qua đó, nhằm ngăn chặn nguy cơ dẫn tới hoạt động rút tiền hàng loạt hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công trực tuyến vào cổ phiếu của họ bởi những bên bán khống.
Các ngân hàng đang hành động và xem xét lại vai trò của mạng xã hội như một rủi ro tiềm tàng hơn là công cụ truyền thông, sau khi các dòng tweet đặt câu hỏi về sức khỏe tài chính của SVB đã khiến các khách hàng lo lắng rút 1 triệu USD mỗi giây từ tài khoản của họ trước khi ngân hàng phá sản vào ngày 10/3/2023.
Sumeet Chabria, người sáng lập ThoughtLinks cho biết: “Rủi ro truyền thông xã hội chủ yếu là ảnh hưởng tới danh tiếng, nhưng giờ đây nó đã dẫn đến rủi ro rút tiền gửi hàng loạt”.
“Bất kỳ ngân hàng nào không chú ý đến sự hiện diện trên mạng xã hội và tác động của nó đối với hành vi gửi tiền đều đang gây ra cho chính họ, các bên liên quan và quan trọng nhất là những người gửi tiền một sự bất lợi khá lớn”, ông Greg Hertrich, người đứng đầu bộ phận chiến lược lưu ký của Mỹ tại Nomura cho biết.
Có thể thấy, mạng xã hội với việc thông tin không kiểm chứng và có tốc độ lan truyền nhanh chóng, đã ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính. Trong đó, thị trường chứng khoán với đặc thù giao dịch liên tục, tâm lý đám đông là khuếch đại hơn sự hoảng loạn trên thị trường.
Trong đó, khi một thông tin không kiểm chứng được tung ra, giá cổ phiếu giảm làm cho nhà đầu tư hoài nghi về thông tin xấu có thể là đúng, nhà đầu tư lo sợ thông tin xấu tiếp tục bán cổ phiếu, một vòng lặp lại liên tục diễn ra, điều này chính là xu hướng khuếch đại thông tin không kiểm chứng, ảnh hưởng tới thị trường tài chính và chính là nguyên nhân của nhiều cuộc khủng hoảng do mạng xã hội gây ra gần đây, nạn nhân gần nhất là lĩnh vực ngân hàng.
Nhà đầu tư cần nhiều thông tin chính thống
Hiểu được tầm quan trọng và tác động lan toả nhanh chóng của mạng xã hội, các ngân hàng trên thế giới đang và sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc xử lý khủng hoảng truyền thông, đưa các thông tin chính xác, đính chính thông tin sai lệch nhanh chóng tới nhà đầu tư.
Trong nước, giai đoạn đầu năm 2023, thị trường hồi phục, tâm lý nhà đầu tư phớt lờ tin xấu, đây là môi trường không thuận lợi cho các thông tin không kiểm chứng lan toả. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là thị trường của đám đông, mang tính chu kỳ, thì sẽ khó tránh khỏi sau giai đoạn sóng tăng, thị trường có thể bước vào giai đoạn giảm giá (downtrend).
Trong giai đoạn thị trường bước vào downtrend, tâm lý nhà đầu tư thường yếu, nhạy cảm với các thông tin tiêu cực và phớt lờ đi các thông tin tích cực về doanh nghiệp, điều này tạo nên hiệu ứng thái quá trên thị trường chứng khoán và liên tục lặp lại ở mỗi chu kỳ sóng của thị trường chứng khoán. Trong đó, nhiều đối tượng đã tận dụng tâm lý của giới đầu tư, tung thông tin thất thiệt khi thị trường điều chỉnh để có thể “gom” cổ phiếu giá rẻ hơn mà cách đây 1 tuần, 1 tháng, không nhà đầu tư nào nghĩ giá cổ phiếu giảm sâu tới vậy.
Những giai đoạn khó khăn như vậy, nhà đầu tư rất cần những động thái và hành động nhanh chóng từ phía truyền thông của doanh nghiệp, cũng như hành động cụ thể của doanh nghiệp để sớm bác bỏ tin đồn, xoá bỏ đi thông tin sai lệch, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn để nắm giữ cổ phiếu.
Nếu như nhà đầu tư có nguồn tin chính thống nhanh, kịp thời và đúng lúc mà tâm lý nhà đầu tư yếu nhất, điều này có thể giúp cổ phiếu biến động ổn định và sự hoảng loạn khó xảy ra hơn như giai đoạn năm 2022.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện nay, các doanh nghiệp niêm yết chủ yếu tập trung vào hoạt động truyền thông các sự kiện, hoạt động kinh doanh bán hàng của doanh nghiệp, mà ít quan tâm xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan hoạt động tài chính khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Đặc biệt, các doanh nghiệp do một gia đình chi phối quá lớn thường ít quan tâm các nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư vào doanh nghiệp.
Trên thế giới, Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo đã thực hiện cảnh báo để lưu ý tới nhà đầu tư trong trường hợp tin đồn, thông tin rò rỉ ảnh hưởng tới quyết định đầu tư, thông tin không rõ ràng dễ gây hiểm nhầm… Cảnh báo này nhằm mục đích lưu ý tới nhà đầu tư, trước khi tổ chức phát hành công bố thông tin chính thức có hay không có tin đồn.
Thêm nữa, biện pháp bổ sung ngừng giao dịch để doanh nghiệp niêm yết cung cấp thông tin quan trọng cho thị trường, ngừng giao dịch đối với hành vi đáng ngờ về lừa đảo hoặc thao túng. Thời gian ngừng giao dịch ở Nhật Bản là 15 phút, ở Mỹ là 5 phút kể từ khi thông tin quan trọng được công bố, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tin tức được công bố.
Tóm lại, tầm quan trọng của thông tin trên thị trường chứng khoán là rất quan trọng. Nếu muốn giữ niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết và cơ quan quản lý cần phải chủ động cung cấp thông tin trên các kênh chính thống như website của doanh nghiệp, của Ủy ban Chứng khoán, các sở giao dịch, báo chí chính thống, đi cùng với đó là nâng cao chất lượng thông tin, tính minh bạch và kịp thời, đặc biệt là giai đoạn hoảng loạn do mạng xã hội gây ra.