Các bước xử lý thông tin
Thị trường tài chính hoạt động dựa trên tâm lý, tâm lý được hình thành bởi đám đông và đã là đám đông thì sẽ diễn ra tình trạng bất cân xứng thông tin, tức là trên thị trường có rất nhiều thông tin mà người này biết trước, người kia biết sau. Một số đội nhóm trên thị trường với lợi thế thông tin sớm sẽ tận dụng tình trạng bất cân xứng thông tin nhằm tạo ra lợi nhuận lớn cho mình. Chính vì vậy, khi đón nhận những thông tin có tác động mạnh, chúng ta nên thực hiện các bước sau:
Thị trường chứng khoán là một sân chơi lớn, với nguyên liệu là dòng tiền và thông tin là một chất xúc tác trong cuộc chơi đó.
Thứ nhất, bình tĩnh khi đón nhận thông tin, dù tích cực hay tiêu cực, vì chúng ta đã ở một sân chơi lớn, với nguyên liệu là dòng tiền và thông tin chỉ là một chất xúc tác trong cuộc chơi đó.
Thứ hai, xử lý thông tin theo 4 câu hỏi: Thông tin mới hay cũ? Thị trường nghĩ gì về thông tin này? Thị trường sẽ phản ứng ra sao? Hệ quả tiếp theo (thông tin, sự kiện tiếp theo) ảnh hưởng lên thị trường là gì? Qua đó, chúng ta sẽ chủ động hơn trong hành động, phán đoán được tình huống xảy ra, tránh tâm lý hưng phấn/bi quan quá mức so với đám đông.
Thứ ba, sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định vùng hỗ trợ/kháng cự của VN-Index hay cổ phiếu. Việc xác định được các vùng hỗ trợ/kháng cự sẽ giúp chúng ta phán đoán được hành động giá và phản ứng của đám đông (khối lượng) tại các vùng giá quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường giao dịch theo tâm lý, thì hỗ trợ/kháng cự là chỉ báo kỹ thuật có tính hiệu quả cao.
Có 2 nhóm chỉ số đáng quan tâm khi phân tích kỹ thuật là nhóm chỉ số trung bình động như Moving Average (MA), Bollinger Band, Đám mây Ichimoku và nhóm chỉ số sức mạnh xu hướng như Stochastic, Commodity Channel Index (CCI), Relative Strength Index (RSI), Average Directional Index, Momentum.
Áp dụng vào trường hợp cổ phiếu VND
Ngày 6/7/2023, thị trường có tin đồn tiêu cực về hoạt động đầu tư của VND liên quan đến vấn đề trái phiếu, dẫn đến hành động bán tháo cổ phiếu, khiến giá giảm 6,5%, phiên sau đó giảm thêm 2,2%. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra bình thường, ghi nhận kết quả tốt trong quý II/2023.
Chúng ta xử lý tình huống này như sau:
Thông tin đó là mới hay cũ? Thông tin này thực chất là cũ, bởi vì vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp thường xuyên được nhắc đến kể từ quý III/2022. Thị trường nghĩ gì về thông tin này và phán đoán thị trường sẽ phản ứng ra sao? Xét về tâm lý hành vi, khi thông tin này được tung ra, thị trường sẽ đánh giá đây là thông tin tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Bởi lẽ, xét về con số, quy mô lượng trái phiếu rất lớn, thị trường có thể bán mạnh cổ phiếu của doanh nghiệp. Hệ quả tiếp theo là gì? Kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, theo số liệu báo cáo quý I/2023, doanh nghiệp hoạt động bình thường, kết quả kinh doanh ổn định trong bối cảnh thị trường khó khăn. Ngoài ra, trong suốt thời gian 6 tháng đầu năm, cổ phiếu VND tăng giá hơn 50%, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Điều chúng ta quan tâm tiếp theo đó chính là chu kỳ ngành, xu hướng thị trường, kết quả kinh doanh quý II/2023 và các yếu tố này đều bình thường.
Sử dụng phân tích kỹ thuật, ngày 6/7/2023, cổ phiếu VND có một phiên giảm giá mạnh kèm theo thanh khoản lập kỷ lục. Lực hấp thụ lượng bán rất tốt, nhưng về tín hiệu kỹ thuật thì đây là một tín hiệu tiêu cực. Tuy nhiên, VND có ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 16.500 - 17.000 đồng/cổ phiếu, đây là vùng giá mà cổ phiếu trước đó phải mất 4 tháng để vượt qua (break), đồng thời đây cũng là điểm chạm của đường MA50.
Sang ngày 7/7/2023, chỉ báo RSI xuất hiện phân kỳ dương và CCI vào vùng quá bán, cho tín hiệu cổ phiếu ngừng giảm giá. Những nhà đầu tư không bán bằng mọi giá, không bán trong sợ hãi đã tránh được thiệt hại đáng kể.