Dự án này đã được cấp sổ đỏ từ năm 2008 và Đà Nẵng đã đưa ra phương án thu hồi sổ đỏ có thời hạn lâu dài và cấp lại sổ đỏ chỉ còn thời hạn 39 năm do đã bị trừ 11 năm sở hữu trước đó.
Đây chắc chắn là một thông tin sốc với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, và còn gây chấn động hơn với những khách hàng sở hữu sản phẩm tại dự án trên khi đã 11 năm cầm trong tay tấm giấy chứng nhận sở hữu lâu dài.
Tuy nhiên, người ta không hề thấy chủ đầu tư dự án này lên tiếng công khai bằng lời giải thích, trấn an khách hàng hay đề xuất phương án giải quyết vấn đề… Có thể thông cảm cho lãnh đạo doanh nghiệp, bởi lúc này có lẽ họ cũng đang rối bời, nhưng chắc chắn là việc lên tiếng là cần thiết với những thông tin có tác động lớn đến vậy.
Điều đó thể hiện trách nhiệm với khách hàng. Tính chịu trách nhiệm đến cùng của doanh nghiệp không chỉ với dự án này, mà còn cả những dự án sau nếu họ còn tiếp tục gắn bó với thị trường bất động sản.
Một câu chuyện khác, có lẽ còn gây sốc hơn với toàn xã hội là cuối tuần qua, cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tạm giữ toàn bộ Đoàn cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng đang thực hiện công vụ tại huyện Vĩnh Tường thuộc tỉnh này với cáo buộc Đoàn thanh tra yêu cầu một số tổ chức, cá nhân tại địa phương “chung chi” hàng chục tỷ đồng.
Lâu nay vẫn râm ran câu chuyện thanh tra xây dựng cấp phường, cấp quận ở nơi này nơi kia nhũng nhiễu, “bảo kê” cho xây dựng nhà trái phép, không phép… Tuy nhiên, sự vụ lên đến tầm thanh tra ngành và số tiền “vòi vĩnh” lên đến hàng chục tỷ đồng chỉ tại một huyện thì quả là chuyện rất lớn.
Vụ việc còn đang trong quá trình điều tra và sẽ cần thời gian để hiểu rõ nội tình. Thậm chí, cũng cần tìm hiểu thêm rằng, những dự án bị thanh tra có những sai phạm gì để “tạo cớ” cho việc đòi chung chi số tiền lớn như vậy.
Tuy nhiên, câu chuyện đáng nói ở đây là phản ứng của cơ quan quản lý ngành xây dựng là khá nhanh nhạy, kịp thời. Buổi sáng ngày 13/6 khi thông tin đầu tiên về sự vụ được công khai, thì đầu giờ chiều cùng ngày, Bộ Xây dựng đã có thông cáo báo chí gửi đến nhiều cơ quan báo chí. Trong đó khẳng định: “Sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, Bộ sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, không bao che những cá nhân để xảy ra vi phạm”.
Trả lời phỏng vấn các nhà báo bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng khẳng định thái độ tương tự và Bộ Xây dựng cho biết, đã cử đoàn công tác đến Vĩnh Phúc để tiếp cận sự việc.
Trong bối cảnh xuất hiện một sự việc gây rúng động dư luận xã hội và chưa nắm bắt đầy đủ diễn biến sự việc, các động thái xử lý và công khai thông tin của Bộ Xây dựng là kịp thời, chủ động và được nhiều người đánh giá cao.
Hai câu chuyện trên đây cũng cho thấy, sự cố, thậm chí khủng hoảng thông tin có thể xảy ra bất cứ khi nào. Và lựa chọn cách tiếp cận chủ động là ứng xử phù hợp nhất. Bởi trong rất nhiều câu chuyện, phải chọn phương án xử lý đỡ xấu nhất chứ không phải phương án tốt nhất.
Với thị trường bất động sản, những sự cố truyền thông với các hình thái, diễn biến và mức độ nghiêm trọng khác nhau vẫn thường xuyên diễn ra.
Chỉ là một status (dòng trạng thái) phàn nàn về chất lượng xây dựng, về thái độ của nhân viên môi giới, hay một thông tin chưa được xác thực về pháp lý, với tốc độ lan truyền của mạng internet, đặc biệt là mạng xã hội như hiện nay, cũng có thể lan rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả bán hàng, dù trước đó doanh nghiệp đã phải chi ra số tiền không nhỏ mới có thể tiếp cận được nhóm khách hàng tiềm năng.
Boomerang Social Listening Consultant, công ty dịch vụ theo dõi và cảnh báo khủng hoảng truyền thông mạng xã hội ở Việt Nam từng đưa ra con số, trung bình một ngày, hệ thống gửi đi 531 tin cảnh báo khủng hoảng cho các thương hiệu đang sử dụng dịch vụ của hãng.
Như vậy, trung bình cứ khoảng 3 phút sẽ có một doanh nghiệp nhận được tin nhắn cảnh báo gửi qua email, tin nhắn điện thoại từ hệ thống theo dõi tự động của Boomerang và đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tiềm ẩn.
Một thực tế cũng được ghi nhận là hầu như dự án bất động sản nào, dù làm kỹ đến đâu cũng luôn tồn tại những sai sót nhất định trong quá trình triển khai thi công và bàn giao cho người mua nhà. Nhưng khi có sự cố truyền thông xảy ra, lảng tránh vấn đề luôn là lựa chọn tồi tệ nhất.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com