Ứng xử với “hộ chiếu vắc-xin”

0:00 / 0:00
0:00
Cho đến thời điểm này, Vietnam Airlines là hãng hàng không trong nước đầu tiên xác nhận sẵn sàng phối hợp cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm “hộ chiếu vắc-xin”.
Các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch coi “hộ chiếu vắc-xin” là giải pháp cứu cánh để khôi phục thị trường hàng không, du lịch.

Các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch coi “hộ chiếu vắc-xin” là giải pháp cứu cánh để khôi phục thị trường hàng không, du lịch.

Thông tin này được Vietnam Airlines đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu, từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”, giao thương có sự kiểm soát.

Là một trong những hãng hàng không thực hiện nhiều chuyến bay quốc tế trong thời gian dịch bệnh với năng lực phòng, chống dịch dẫn đầu ngành hàng không, kinh nghiệm của Vietnam Airlines chắc chắn sẽ giúp rất nhiều cho các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các cơ chế, chính sách ứng xử phù hợp đối với “hộ chiếu vắc-xin”.

Từ khi vắc-xin Covid-19 được tiêm rộng rãi trên toàn cầu, cụm từ “hộ chiếu vắc-xin” được thế giới nhắc tới ngày càng nhiều, xem như “giấy thông hành” để mở cửa biên giới. Thậm chí, các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch còn coi đây là giải pháp cứu cánh để khôi phục thị trường hàng không, du lịch.

Hiện Trung Quốc là quốc gia đầu tiên triển khai "chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế", trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp “hộ chiếu vắc-xin” cho công dân, cung cấp thông tin chi tiết về việc tiêm chủng vắc-xin phòng chống Covid-19, cũng như kết quả xét nghiệm kháng thể và axit nucleic.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch hàng không quốc tế (IATA) gồm 290 hãng hàng không là thành viên, cũng dự kiến ra mắt một số ứng dụng du lịch, trong đó cho phép cơ quan nhập cảnh và hãng hàng không thu thập và chia sẻ chứng nhận vắc-xin cũng như kết quả xét nghiệm Covid-19. Singapore Airlines sẽ là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới đưa vào sử dụng ứng dụng này trên các chuyến bay từ Singapore tới London (Anh) từ ngày 15/3. IATA dự báo, trong vòng 2 tháng tới sẽ có khoảng 30 hãng hàng không thí điểm ứng dụng trên. Cũng tại khu vực ASEAN, một số công ty du lịch lớn ở Thái Lan đang phát động chiến dịch "Mở cửa Thái Lan an toàn" nhằm kêu gọi chính phủ cho phép đón du khách quốc tế trở lại từ ngày 1/7/2021.

Trong khi đó, với quy định phòng dịch hiện tại, ngay cả người đã tiêm 2 mũi vắc-xin thì vẫn phải chờ được phê duyệt nhập cảnh của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và bị cách ly tại các cơ sở y tế trong vòng 14 ngày.

Những thông tin nói trên càng khiến các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch trong nước, bao gồm các cơ sở nghỉ dưỡng quốc tế và lữ hành thêm sốt ruột, bởi nếu không sớm có cơ chế ứng xử phù hợp với “hộ chiếu vắc-xin”, thì Việt Nam có thể chậm chân trong cuộc đua thu hút khách du lịch quốc tế với các quốc gia khác trong khu vực.

Trên thực tế, dù tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt, thị trường vận tải hàng không và du lịch nội địa đã từng bước phục hồi, nhưng việc mất toàn bộ thị trường quốc tế trong hơn 1 năm qua đã khiến các doanh nghiệp trong chuỗi vận tải hàng không, du lịch mất 50 - 70% doanh thu. Chính vì vậy, hơn ai hết, các doanh nghiệp du lịch và hàng không chính là những đối tượng mong đợi việc phê duyệt “hộ chiếu vắc-xin” nhất để có thể sớm mở lại bầu trời.

Ở chiều ngược lại, không ít chuyên gia và một bộ phận cơ quan quản lý đang lo ngại rủi ro lọt dịch do sự thành công của “hộ chiếu vắc-xin” phụ thuộc vào hiệu quả của vắc-xin phòng chống Covid-19 vốn được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp, với nhiều loại khác nhau, nên còn những vấn đề mà ngay cả các nhà khoa học cũng chưa lường hết. Đó là chưa kể việc virus Covid-19 biến đổi liên tục khiến vắc-xin có thể kém tác dụng. Hơn nữa, Tổ chức Y tế Thế giới vẫn kêu gọi phải thận trọng, yêu cầu các nhà chức trách và các nhà điều hành du lịch không đưa ra bằng chứng về việc tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế. Lý do là bởi hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa lây truyền chưa rõ ràng và nguồn cung cấp vắc-xin toàn cầu còn hạn chế.

Chính vì vậy, việc xem xét chấp nhận “hộ chiếu vắc-xin” tại Việt Nam là cần thiết, nhưng cần được nghiên cứu kỹ, thận trọng, trong đó ý kiến của cơ quan y tế chuyên ngành phải được xem là yếu tố quyết định. Bên cạnh đó, trước khi chấp nhận “hộ chiếu vắc-xin”, chúng ta cũng phải tìm hiểu lại nhu cầu thị trường, bởi đặc điểm các thị trường sau dịch đã thay đổi rất nhiều.

Đây là trách nhiệm không chỉ của các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch trong việc nghiên cứu, cơ cấu, làm mới sản phẩm, đưa ra sản phẩm mới, đào tạo lại đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp... Mở ra, song không đáp ứng được nhu cầu của khách thì sẽ rất khó thu được lợi ích như mong đợi, càng khó đo lường những rủi ro mà “hộ chiếu vắc-xin” có thể mang lại.

Tin bài liên quan