Chênh lệch cung - cầu ngoại tệ trong nền kinh tế tháng 8/2021 thâm hụt 700 triệu USD, trong khi tháng 7 thặng dư khoảng 1 tỷ USD. Ảnh: Dũng Minh

Chênh lệch cung - cầu ngoại tệ trong nền kinh tế tháng 8/2021 thâm hụt 700 triệu USD, trong khi tháng 7 thặng dư khoảng 1 tỷ USD. Ảnh: Dũng Minh

Ứng xử khi tiền đồng tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiền đồng đang lên giá so với USD có những điểm tích cực, nhưng một bộ phận doanh nghiệp gặp bất lợi, nhất là trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.

Mức độ tăng giá giảm dần

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm khoảng 0,7% trong tháng 8/2021 và giảm nhẹ trong tháng 9. Tỷ giá USD/VND giảm, đồng nghĩa VND tăng giá. Từ đầu năm 2021 đến nay, VND tăng giá khoảng 1,5% so với USD.

Tính từ tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước đã giảm giá mua vào USD tổng cộng 375 VND, xuống mốc 22.750 VND/USD. Nếu tính từ tháng 11/2019, tổng mức giảm là 450 VND/USD, với 6 lần điều chỉnh.

Lãnh đạo BIDV phân tích nguyên nhân tiền đồng tăng giá chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách mua ngoại tệ với các ngân hàng thương mại theo hướng chuyển từ mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng sang mua giao ngay tại mức tỷ giá 22.750 (giảm khoảng 100 điểm so với mức tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng quy đổi). Động thái này đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường và khiến tỷ giá liên ngân hàng giảm sâu.

Tuy nhiên, mức tăng giá của VND khá lớn vì cân đối cung - cầu ngoại tệ trong nền kinh tế xấu đi rõ nét trong tháng 8/2021 khi các cấu phần cơ bản của nguồn cung ngoại tệ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều tỉnh, thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, cán cân thương mại trong tháng 8 thâm hụt tháng thứ 5 liên tiếp ở mức âm 1,3 tỷ USD, trong khi giải ngân FDI là 1,08 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Dữ liệu hàng tháng cho các khoản đầu tư đã thực hiện cho thấy sự sụt giảm từ mức trung bình 1,8 tỷ USD giai đoạn tháng 4 - 12/2020 xuống 1,6 tỷ USD trong giai đoạn tháng 4 - 7/2021. Đối với dòng vốn danh mục đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1,5 tỷ USD trong giai đoạn quý I/2020 - I/2021.

“Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 300 triệu USD trong tháng 8/2021 (lũy kế 8 tháng đầu năm 2021 bán ròng khoảng 1,4 tỷ USD - PV). Ước tính, chênh lệch cung - cầu ngoại tệ trong nền kinh tế tháng 8 thâm hụt 700 triệu USD, trong khi tháng 7 thặng dư khoảng 1 tỷ USD”, vị lãnh đạo BIDV nhấn mạnh.

Hiện tại, niềm tin vào giá trị của đồng nội tệ gia tăng, với kỳ vọng một số giao dịch có thể mang lại ngoại tệ lớn như bán vốn tại FE Credit, DXG, MSN...

“Tin tốt khi tiền đồng lên giá so với USD là cơ quan quản lý mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối với giá rẻ, nhưng tin không tốt là khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét về tác động của tỷ giá giảm.

Tiền đồng lên giá so với USD khiến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á, xuất khẩu hàng hóa tăng 29,0% trong nửa đầu năm 2021 và nhập khẩu tăng 36,2%. Cùng với nguồn thu ròng từ dịch vụ giảm, các diễn biến này khiến cán cân vãng lai thâm hụt 2,3% GDP từ mức thặng dư 2,5% trong nửa đầu năm 2020. Thâm hụt gia tăng trong 8 tháng đầu năm do xuất khẩu giảm so với nhập khẩu trong 4 tháng liên tiếp bắt đầu từ tháng 5.

Đây là lý do chính cho dự báo đồng Việt Nam không thể tăng giá mạnh trong giai đoạn cuối năm.

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 giảm 6% so với tháng 7, ước tính đạt 26,2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính (công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản) đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Nhựa bao bì Phan Công cho biết, gạo và thủy sản là những mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất trong nhóm hàng nông sản do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch và lưu thông tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

“Là doanh nghiệp cung cấp bao bì cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, chúng tôi cùng điêu đứng với những doanh nghiệp xuất khẩu gạo và thủy sản”, ông Tịnh nói.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với tháng 7 và giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cần nắm thế chủ động

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, các nhà phân tích thị trường bày tỏ quan điểm lạc quan về đồng Việt Nam sẽ trở nên trung lập hơn trong phần còn lại của năm 2021, bởi USD có thể lấy lại ưu thế do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang xem xét các kịch bản thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng từ cuối năm 2021. Bên cạnh đó, lạm phát có xu hướng tăng trở lại, trong khi Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại 3,7 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.

Lãnh đạo BIDV cho rằng, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm nhẹ trong tháng 9 đến từ kỳ vọng cung - cầu ngoại tệ sẽ được cải thiện. Trong bối cảnh các nguồn cung ngoại tệ cơ bản như cán cân thương mại, FDI có xu hướng xấu đi trước tác động của đại dịch, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), vay nợ nước ngoài dự kiến sẽ là điểm tựa cho cung - cầu ngoại tệ như FE Credit, DXG…

“Nếu các thương vụ này thành công có thể mang lại khoảng 1 - 1,5 tỷ USD cho thị trường, qua đó cải thiện cân đối cung - cầu ngoại tệ lên mức thặng dư quanh mức 500 triệu USD trong tháng 9. Bên cạnh đó, môi trường quốc tế dự kiến chưa tạo áp lực quá lớn, với tâm điểm là phiên họp của hai ngân hàng trung ương lớn là Fed và ECB”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Trong một diễn biến có liên quan, cuối tuần qua, Fed đã giữ nguyên lãi suất trong khoảng mục tiêu 0 - 0,25%/năm (hiện tại là 0,09%/năm), giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 và cho biết, việc tăng lãi suất có thể xảy ra sớm hơn so với kỳ vọng hồi tháng 6.

Ủy ban Thị trường mở cho hay, Fed sẽ giảm/dừng kích thích kinh tế, nhưng không nói cụ thể khi nào. Trong bối cảnh quá trình hồi phục kinh tế và việc làm có diễn biến tốt, giới phân tích dự báo, việc này có thể được tuyên bố vào tháng 11 và thực hiện từ tháng 12/2021.

Trong khi đó, TS. Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln, Vương quốc Anh nhận định, Fed có thể tăng lãi suất trong năm 2022, sớm hơn so với định hướng trước đây là năm 2023. Dự kiến, lãi suất năm 2023 là 1%/năm và năm 2024 là 1,8%/năm (trước khủng hoảng năm 2007, lãi suất là 2,25 - 2,5%/năm). Tăng trưởng kinh tế năm 2021 có khả năng giảm so với dự báo hồi tháng 6 (5,9% so với 7%), nhưng từ năm 2022 sẽ tốt hơn. Lạm phát năm nay có thể tăng so với dự báo hồi tháng 6 (4,2% so với 3%, gấp đôi mức mục tiêu 2%) và hai năm tiếp theo ở mức cao hơn so với dự báo hồi tháng 6.

“Tín hiệu từ Fed cho thấy, việc giảm nới lỏng chưa xảy ra ngay”, ông Quách Mạnh Hào nói.

TS. Hiếu cho rằng, diễn biến của đồng Việt Nam trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và sự hồi phục sản xuất tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai (tín hiệu quan trọng để có thể thu hút dòng vốn FDI giải ngân mới). Dự báo, đồng Việt Nam tiếp tục xu hướng mạnh lên so với USD, nhưng mức biến động sẽ không quá 2% trong năm nay, trong đó bao gồm cả khả năng USD lên giá so với ngoại tệ mạnh khác trên thế giới.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế đứng trước nhiều thách thức trong quá trình phục hồi, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng kịch bản hoạt động và hoạch định chiến lược kinh doanh.

“Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đặc biệt chú trọng vấn đề phòng vệ rủi ro, trong đó có rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá, thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt”, ông Khoa nhấn mạnh.

Tin bài liên quan