Mục tiêu lợi nhuận tăng 20%
Mục tiêu lợi nhuận năm 2022 Sacombank dự kiến đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Tổng tài sản dự kiến đạt 573.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 10% và 12%, đạt 512.700 tỷ và 435.000 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Đồng thời, Ngân hàng dự kiến chậm nhất đến năm 2023, sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được NHNN phê duyệt.
Đáng chú ý, trong năm nay cổ đông kỳ vọng ngân hàng xử lý khoản nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khi có kế hoạch chuẩn bị bán cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi kết thúc giai đoạn tái cấu trúc, xử lý nợ xấu.
Kết thúc năm 2021, Sacombank đạt hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước, vượt 10% kế hoạch cả năm. Nợ xấu cuối năm cải thiện so với đầu năm qua từ 1,7% xuống còn 1,47%. Tổng nợ xấu của ngân hàng đến cuối năm chỉ còn 5.721 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, kể từ thời điểm bà đảm nhận vị trí Tổng giám đốc (tháng 7/2017), Sacombank phải đối diện với những khó khăn chồng chất.
Từ một ngân hàng có năng lực tài chính tốt và phát triển ổn định, sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, Sacombank phải đối diện với gần 97.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, chiếm 30% tổng tài sản.
Nhưng sau 5 năm, Sacombank có tốc độ xử lý nợ xấu rất tích cực. Ngân hàng đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó khoảng 60.000 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 70% kế hoạch tổng thể.
Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Sacombank kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 từ 6,68% tổng nợ theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN xuống còn 1,35%. Nợ xấu nội bảng năm 2017 hơn 9.400 tỷ đồng thì đến năm 2021 đã giảm gần một nửa xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.
Công tác kiểm tra tư cách cổ đông trước khi bước vào Đại hội. |
Tổng giám đốc Sacombank cho biết, hiện Ngân hàng chỉ còn một phần nhỏ nữa thôi là hoàn thành tái cơ cấu. Các tài sản đảm bảo ở Sacombank đều có chất lượng tốt, vị trí đẹp.
Bà Diễm tin rằng, Sacombank có thể hoàn thành sớm hạng mục này trong tương lai, nhất là khi thị trường bất động sản nói chung đang nhận được sự quan tâm đầu tư và sự tích cực hợp tác từ các nhóm khách hàng có liên quan.
Sacombank cho biết, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng trong giai đoạn 2022-2026 thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro.
Đồng thời, Ngân hàng dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được NHNN phê duyệt.
Báo cáo của HĐQT Sacombank cho biết, lũy kế đến 31/12/2021, lợi nhuận hợp nhất giữ lại của ngân hàng là 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần 50% vốn điều lệ của Sacombank, đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.
Hai gương mặt mới đề cử vào HĐQT
ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Sacombank cũng bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026 và thông qua kế hoạch kinh doanh 2022.
HĐQT Sacombank bổ sung tờ trình vào danh sách tài liệu gửi tới cổ đông, đó là tờ trình về danh sách ứng cử, đề cử nhân sự vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Theo đó, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Đứng đầu danh sách đề cử là ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc.
Cả ông Minh và bà Diễm đều được nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn Sacombank đề cử và được HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 đề cử làm thành viên nhiệm kỳ mới.
Tiếp theo trong danh sách đề cử là ông Phạm Văn Phong (sinh năm 1962), ông Nguyễn Xuân Vũ (sinh năm 1981), ông Phan Đình Tuệ (sinh năm 1966), bà Phạm Thị Thu Hằng (sinh năm 1962) và ông Vương Công Đức (sinh năm 1971).
Cả 5 nhân sự này đều được HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 đề cử. Trong đó, ông Đức và bà Hằng được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập.
Ông Phạm Văn Phong đang là Phó chủ tịch thường trực, ông Nguyễn Xuân Vũ là thành viên HĐQT của Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021. Ông Phan Đình Tuệ đang là Phó tổng giám đốc. Còn bà Phạm Thị Thu Hằng và ông Vương Công Đức đều là người mới.
Còn hai người của nhiệm kỳ cũ là ông Nguyễn Miên Tuấn (Phó chủ tịch HĐQT hiện tại) và ông Nguyễn Văn Huynh (thành viên HĐQT - người cũ của LienVietPostBank ,cùng thời với ông Dương Công Minh) không có mặt trong danh sách đề cử.
Như vậy, về cơ bản HĐQT của Sacombank sẽ không có sự thay đổi lớn, chỉ có 2 vị trí thành viên độc lập là người mới. Theo giới thiệu của Ngân hàng, bà Phạm Thị Thu Hằng có 28 năm làm việc trong lĩnh vực chính sách thương mại và công nghiệp Việt Nam, còn ông Vương Công Đức có 28 năm làm việc trong lĩnh vực Luật - Tài chính - Ngân hàng.
Trong khi đó, Ban kiểm soát Sacombank lại dự kiến có sự thay đổi rất lớn khi chỉ có một thành viên duy nhất của nhiệm kỳ cũ được giới thiệu vào nhiệm kỳ mới, còn 3 người cũ thì không có tên.
Cụ thể, ông Trần Minh Triết, Trưởng Ban đương nhiệm được HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021 đề cử làm tiếp trong nhiệm kỳ mới, trong khi ông Lê Văn Tòng, ông Hà Tôn Trung Hạnh và bà Nguyễn Thị Thanh Mai sẽ thôi làm thành viên Ban kiểm soát.
Ba người được đề cử thay thế gồm ông Lê Văn Thành (sinh năm 1963), bà Hà Quỳnh Anh (sinh năm 1971) và ông Lâm Văn Kiệt (sinh năm 1972). Trong đó, bà Hà Quỳnh Anh đang là Phó tổng giám đốc của nhà băng này.