Truyền thông Pháp đưa tin ông Macron đạt được 23,7% số phiếu trong khi bà Le Pen giành 21,7% phiếu bầu, theo BBC. Ông Macron và bà Le Pen đã giành chiến thắng trước sự bám đuổi sát sao từ cựu thủ tướng Pháp Francois Fillon, ứng viên cánh trung tả, và ông Jean-Luc Melenchon, ứng viên đảng cánh tả.
Vòng bỏ phiếu thứ hai, cuộc đối đầu trực tiếp giữa ông Macron và bà Le Pen, sẽ diễn ra vào ngày 7/5.
Nếu giành thắng lợi cuối cùng, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, lãnh đạo đảng Tiến lên (En Marche), sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp. Ông Macron từng làm bộ trưởng kinh tế và lãnh đạo cấp cao ngân hàng Rothschild & Cie. Ông rời chính phủ và mới bắt đầu thành lập đảng của mình từ năm ngoái. Ông Macron có quan điểm mở cửa với người tị nạn, chủ trương tăng ngân sách quốc phòng và vẫn duy trì mối quan hệ giữa Pháp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, bà Marine Le Pen, 48 tuổi, là chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia. Bà từng làm luật sư từ năm 1992 đến 1998, trở thành nghị sĩ Nghị viện châu Âu vào năm 2004. Bà Le Pen có thời điểm phải đối mặt với cáo buộc vi phạm quy định gây quỹ vận động tranh cử. Tuy nhiên, bà bác bỏ mọi cáo buộc.
Bà Le Pen không ủng hộ nhập cư, đặt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng. Trái với đối thủ Macron, bà muốn Pháp rời khỏi NATO và đàm phán lại các hiệp định EU.
Thắng lợi bước đầu của bà Le Pen, người xây dựng chiến dịch tranh cử mang tinh thần dân túy, là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ trên thế giới. Chủ nghĩa dân túy được cho là nguyên nhân dẫn đến việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, và chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hồi tháng 11 năm ngoái, bà Le Pen là một trong những chính khách nước ngoài đầu tiên gọi điện chúc mừng ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ.
Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng tiền chung euro và lớn thứ 7 trên thế giới. Tổng thống Pháp có đủ quyền hạn để tác động đến đường lối kinh tế và chính trị đất nước.