Ứng phó với đại dịch: Cần kịch bản chủ động cho TTCK Việt Nam

Ứng phó với đại dịch: Cần kịch bản chủ động cho TTCK Việt Nam

(ĐTCK) 40 công ty chứng khoán cùng 20 công ty quản lý quỹ đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) mời dự cuộc họp chiều ngày 4/3/2020 để lắng nghe đánh giá về tác động từ đại dịch Covid-19, đồng thời ghi nhận các giải pháp vượt khó. Bên cạnh kiến nghị chính sách giảm thuế, giảm phí và những giải pháp cấp bách cần làm, nhiều thành viên đề nghị UBCK cần xây dựng và công bố kịch bản để chủ động ứng phó nếu đại dịch trở nên phức tạp hơn.

Nhận diện tác động của đại dịch

Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, bà Tạ Thanh Bình cho biết, diễn biến dịch Covid-19 có những tác động tới TTCK Việt Nam thông qua một số yếu tố.

Thứ nhất, dịch bệnh tác động trực tiếp đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK, trong đó các nhóm ngành xuất nhập khẩu, hàng không, du dịch, vận tải, bán lẻ chịu ảnh hưởng rõ nhất.

Thứ hai, dịch bệnh có diến biến khó lường, dễ lây lan đã gây tác động tiêu cực và tạo tâm lý bất an cho người dân nói chung và các nhà đầu tư trên TTCK.  

Điều này làm giảm sức cầu đầu tư trên thị trường và có thể gây ra hiện tượng bán tháo hàng loạt trên TTCK.

Diễn biến dịch bệnh cũng tác động mạnh đến dòng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK thông qua việc gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này dẫn tới việc rút vốn của nhà đầu tư ra khỏi thị trường trên phạm vi quốc tế, trong đó có việc rút vốn đầu tư ra khỏi Việt Nam.

UBCK chia diễn biến TTCK Việt Nam trong tâm bão Covid-19 thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là những phiên giảm điểm rất mạnh ngay sau Tết Canh Tý, khi dịch bệnh bùng phát, nhưng sau đó cũng đã có những phiên phục hồi tích cực.

Giai đoạn 2 là khi dịch bệnh lan rộng ra toàn thế giới, TTCK Việt Nam tiếp tục rơi vào xu hướng giảm điểm. VN-Index đã mất 8,2% điểm số so với thời điểm cuối năm 2019 và giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam giảm trên 8% trong khoảng thời gian này.

Lãnh đạo các quỹ đầu tư tỷ USD như Eastpring Investments, VinaCapital chia sẻ, hoạt động đầu tư, tái cơ cấu danh mục của quỹ vẫn diễn ra bình thường. Quỹ không có ý định giảm tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu.

Điều đáng lo nhất là sự rút ròng của khối ngoại, nhưng thống kê của nhà quản lý cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dòng vốn gián tiếp nước ngoài có bị rút ròng, nhưng mức rút ra chỉ tương đương 0,037% giá trị danh mục của khối này trên TTCK Việt Nam.

Cùng với đó, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức trên 4.000 tỷ đồng/phiên cho thấy, TTCK Việt Nam chưa có dấu hiệu bán tháo hay suy thoái quá đà.

Theo đó, lãnh đạo UBCK chia sẻ quan điểm điều hành TTCK trong thời đại dịch là tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỷ luật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết.

Cùng với đó, UBCK tăng cường giám sát các diễn biến trên thực tế, kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch, trấn an tâm lý nhà đầu tư, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi do dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.

Cần chủ động ứng phó, có giải pháp thấm đến nhà đầu tư

Ông Bùi Thế Tân, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tác động của dịch bệnh đến TTCK là nặng, nhưng chưa đến mức đáng sợ hãi. Trên TTCK Việt Nam, thanh khoản duy trì ở mức ổn định là dấu hiệu cho thấy cung - cầu thị trường chưa đến mức mất cân bằng.

Theo ông Tân, dịch bệnh sẽ sớm kết thúc, nhưng mỗi công ty và nhà quản lý cần có những giải pháp chủ động ứng phó.

“Tại Mỹ, Fed đã có động thái cắt giảm lãi suất ở mức mạnh nhất kể từ năm 2008 để hỗ trợ nhà đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ tâm lý. Tại Việt Nam, trong lúc thị trường như hiện nay, rất cần các giải pháp thúc đẩy thanh khoản, chẳng hạn nới rộng giao dịch ký quỹ (margin) hay sớm cho phép giao dịch trong ngày”, ông Tân nói.

Theo ông Tân, nhà đầu tư giao dịch vì thấy cơ hội và các giải pháp cần hướng đến việc cho nhà đầu tư thấy cơ hội, họ sẽ thêm niềm tin và giao dịch mạnh hơn.

Ông Nguyễn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt kiến nghị, UBCK và các Sở GDCK cần đẩy mạnh công tác truyền thông để giúp nhà đầu tư có đủ thông tin thị trường, thông tin điều hành, thông tin chính sách, vượt qua sự hoang mang khi thông tin dịch bệnh lan rộng và liên tục được phản ánh qua nhiều phương tiện truyền thông đại chúng.

Ông Hiếu ủng hộ quan điểm hoạt động điều hành cần hạn chế tối đa các hành xử phi thị trường, theo đó, tôn trọng quy luật thị trường, nhưng cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ thành phần dễ bị tổn thương nhất là các nhà đầu tư đại chúng.

Giảm phí giao dịch, giảm giá dịch vụ chứng khoán là điểm nhà quản lý cần xem xét để hỗ trợ nhà đầu tư.

Về lâu dài, nếu dịch bệnh không kết thúc sớm, các doanh nghiệp niêm yết sẽ là chủ thể chịu ảnh hưởng mạnh nhất.

Ông Hiếu cho rằng, UBCK cần ghi nhận thông tin và có đánh giá cụ thể ảnh hưởng của dịch bệnh đến các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết, từ đó có căn cứ kiến nghị các cấp cao hơn có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

“Khi công ty niêm yết vận hành hiệu quả, thị trường sẽ hiệu quả. Khi công ty niêm yết khó khăn, thua lỗ, thị trường sẽ không thể vận hành hiệu quả, nhà đầu tư thua lỗ theo là chắc chắn”, ông Hiếu nói.

Cũng liên quan đến nhà đầu tư, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nêu câu hỏi: Chính phủ có nhiều giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy các bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, nhưng có giải pháp nào thấm đến nhà đầu tư không? Nói cách khác, nhà đầu tư có cách nào tiếp cận sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành?

Ông Tiến cho rằng, vị thế TTCK Việt Nam đang ở mức hấp dẫn so với nhiều thị trường quốc tế, ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh thì Việt Nam vẫn là quốc gia kiểm soát tốt nhất, nên cần có giải pháp để hạn chế tối đa khả năng hoảng loạn và rút vốn khỏi thị trường của các nhà đầu tư.

Ông Tiến cho rằng, cần có giải pháp giúp nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước, theo đó, các công ty chứng khoán cần phải được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để từ đó chia sẻ lại với nhà đầu tư.

Bên cạnh nguồn vốn giá rẻ, quy định về margin của UBCK cũng nên nới lỏng, chẳng hạn, cho phép áp dụng tỷ lệ margin 60/40 thay vì 50/50 như hiện nay và nên mở rộng margin vào sàn UPCoM như kiến nghị lâu nay từ nhiều chủ thể trên thị trường.

“Khủng hoảng tạo cơ hội cho việc ra đời các chính sách, cơ chế mới, nhà đầu tư là chủ thể cần được hỗ trợ và bảo vệ trong bối cảnh này, nên các giải pháp cần làm nhanh và hướng mạnh vào nhà đầu tư”, ông Tiến nói.

Rất nhiều thành viên chia sẻ đánh giá về câu chuyện thị trường và kiến nghị giải pháp với nhà quản lý, nhiều giải pháp đã được Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán tổng hợp thành công văn trình Bộ Tài chính xem xét, giải quyết. Điểm chung trong các kiến nghị là đề nghị UBCK cần xây dựng các kịch bản và giải pháp ứng phó với những diễn tiến của đại dịch.

Giải pháp trực tiếp lúc này là cần hướng dẫn về pháp lý và hỗ trợ các thành viên giao dịch trên nền tảng số, đại hội đồng cổ đông trực tuyến, để hoạt động trên thị trường không bị gián đoạn ngay cả trong trường hợp xấu nhất là cả tòa nhà (nơi có trụ sở của công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ) bị cách ly.

UBCK sẽ nới rộng margin, thúc đẩy giao dịch điện tử và đại hội đồng cổ đông trực tuyến

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCK cho biết, cơ quan này ghi nhận ý kiến của tất cả các thành viên, trong đó có những kiến nghị sẽ được xử lý trong quá trình xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán, có những kiến nghị xử lý ngay được thì UBCK sẽ xử lý để cùng thị trường vượt qua giai đoạn thách thức hiện nay.

Kiến nghị xử lý ngay được, đó là việc nới dòng tiền margin vào TTCK. Ông Sơn yêu cầu Sở GDCK Hà Nội trong tuần tới có báo cáo trình UBCK đề xuất việc cho phép margin với các cổ phiếu tốt trên sàn UPCoM và đề xuất luôn danh sách các mã này.

Theo ông Sơn, các cổ phiếu trên UPCoM có chất lượng tương đương sàn niêm yết, việc mở dòng tiền margin vào các mã này có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, để đi đến quyết sách này, UBCK sẽ phải báo cáo Bộ Tài chính. 

Liên quan đến giải pháp giữ an toàn cho nhân viên, cho khách hàng trong giao dịch, UBCK cho biết, cơ quan này ủng hộ đề xuất giao dịch trên nền tảng số và thực thi các xác nhận ủy thác, giao dịch qua chữ ký điện tử thời đại dịch.

Lãnh đạo UBCK cho biết, mảng việc này sẽ được UBCK cụ thể hóa khi xây dựng thông tư mới hướng dẫn hoạt động của các tổ chức tài chính trung gian trên thị trường.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp đại chúng tổ chức đại hội an toàn, UBCK thúc đẩy Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) thông tin mạnh mẽ về giải pháp họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu qua hình thức trực tuyến.

Đây là cách làm mà nhiều TTCK phát triển đã áp dụng, tuy nhiên ở Việt Nam, các doanh nghiệp đại chúng, gồm cả doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa quen thực hiện theo cách này.

UBCK cũng đốc thúc VSD xem xét lại biểu phí trên thị trường phái sinh, nhất là khoản phí với hợp đồng tương lai.

Nếu có thể giảm được cho nhà đầu tư thì cần giảm để hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Dịch Covid-19 đã lan sang 85 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Hàn Quốc, Iran và châu Âu trở thành tâm dịch mới.

Hàng loạt TTCK giảm sâu, trong đó TTCK Mỹ giảm rất mạnh trong tuần cuối tháng 2 (giảm 11,1%), Đức giảm 8,9%, Pháp giảm 8,9%, Anh giảm 8,2%, Nhật giảm 9,6%, Indonesia giảm 9,3%...

Trong bối cảnh chung đó, TTCK Việt Nam suy giảm ở mức 8,3% là mức trung bình so với quốc tế. Bối cảnh thị trường hiện nay cho thấy, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính trung gian vững vàng hơn nhiều so với giai đoạn 2008, khi phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo ông Sơn, cũng như nhiều TTCK quốc tế, TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng bất ngờ bởi dịch bệnh nên thiệt hại cho các thành viên tham gia là khó tránh khỏi trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, với việc Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh và nền tảng kinh tế vĩ mô hiện nay là vững chắc, việc thị trường giảm sâu chủ yếu là do tâm lý do sợ hãi chi phối.

Ông Sơn cho rằng, người đứng đầu các tổ chức tài chính trung gian cần vững niềm tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp mà Chính phủ và các bộ, ngành đang thực hiện, vào sức bền của thị trường, để góp sức trấn an mối lo lắng quá đà.

Trong kịch bản xấu nhất, nếu dịch Covid-19 đến quý II/2020 mới khống chế được thì theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng ở mức 6,09%.        

Tin bài liên quan