Open API được coi là chìa khóa mở ra kết nối giữa các ngân hàng, công ty tài chính và các bên thứ ba

Open API được coi là chìa khóa mở ra kết nối giữa các ngân hàng, công ty tài chính và các bên thứ ba

Ứng dụng Open API tại công ty tài chính: Thúc đẩy hệ sinh thái tài chính số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quyết định số 1132/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/10/2024 phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ hạ tầng số là yếu tố then chốt để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển. Một trong những thành phần quan trọng của hạ tầng số trong lĩnh vực tài chính là việc ứng dụng Open API, đặc biệt tại các tổ chức tín dụng, trong đó có các công ty tài chính tiêu dùng.

Lợi ích của Open API

Open API là một công cụ cho phép các hệ thống khác nhau giao tiếp và chia sẻ dữ liệu một cách an toàn. Trong ngành tài chính, Open API được coi là chìa khóa mở ra kết nối giữa các ngân hàng, công ty tài chính và các bên thứ ba như các công ty Fintech, các nền tảng thương mại điện tử, các nhà bán lẻ, các công ty Telco...

Open API giúp tăng khả năng tương tác: Các dịch vụ tài chính khác nhau có thể dễ dàng tích hợp, tạo ra hệ sinh thái số đa dạng. Kredivo, một công ty tài chính chuyên cung cấp dịch vụ “Buy Now, Pay Later” (BNPL) tại Indonesia, đã tích hợp Open API với nền tảng thương mại điện tử Tokopedia. Nhờ đó, Kredivo có thể cung cấp dịch vụ thanh toán trả góp trực tiếp trên Tokopedia, cho phép khách hàng trải nghiệm thanh toán liền mạch mà không cần chuyển đổi giữa các nền tảng. Tại Việt Nam, Home Credit đã tham gia vào nền tảng thương mại điện tử Tiki để ra mắt Home PayLater, cũng là một dịch vụ BNPL tương tự như trên.

Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit
Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit

Open API giúp cải thiện trải nghiệm người dùng: Khách hàng có thể truy cập nhiều dịch vụ tài chính thông qua một nền tảng duy nhất. Chẳng hạn, EVN Finance đã sử dụng Open API để tích hợp dịch vụ cho vay tiền mặt vào nền tảng ví điện tử MoMo. Thông qua mô hình này, người dùng MoMo có thể tiếp cận và lựa chọn sản phẩm vay tiền mặt ngay khi sử dụng các dịch vụ của MoMo với quy trình đăng ký nhanh chóng và tiện lợi. Việc tích hợp Open API đã giúp EVN Finance mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng trực tuyến và tăng cường tính tương tác giữa dịch vụ tài chính và ví điện tử. Tương tự, Mcredit, EVN Finance, VietCredit, Cake đã triển khai cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt trên nền tảng Viettel Money.

Open API giúp thúc đẩy đổi mới: Các công ty tài chính có thể hợp tác với các startup Fintech để phát triển sản phẩm mới. Ví dụ, JULO, một công ty tài chính chuyên về tín dụng cá nhân tại Indonesia, đã sử dụng Open API để tạo ra các gói tín dụng trả góp linh hoạt dành cho khách hàng của các nhà bán lẻ lớn như Alfamart và Indomaret. Open API cho phép JULO tích hợp trực tiếp vào hệ thống bán lẻ, cung cấp các giải pháp tài chính ngay tại điểm bán, thúc đẩy đổi mới trong phương thức tiếp cận khách hàng. Akulaku, một công ty tài chính cung cấp dịch vụ vay tiêu dùng và BNPL tại Đông Nam Á, đã phát triển hệ sinh thái dịch vụ tài chính bằng cách sử dụng Open API để liên kết với các nền tảng Fintech. Mô hình này cho phép Akulaku triển khai các sản phẩm tài chính mới như tín dụng vi mô, dịch vụ bảo hiểm số và đầu tư nhỏ lẻ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về triển khai Open API trong ngành ngân hàng.

Nhìn chung, lợi ích của Open API mang lại cho công ty tài chính là rất lớn và có thể tóm tắt với 2 lợi ích chính sau.

Một là, mở rộng thị trường: Open API giúp các công ty tài chính tiếp cận các phân khúc khách hàng mới thông qua các đối tác với chi phí thấp, thời gian xử lý nhanh và có độ co giãn linh hoạt tùy theo khẩu vị rủi ro, khả năng cung cấp dịch vụ của từng công ty trong từng thời kỳ.

Hai là, tăng cường hiệu quả vận hành: Quy trình vận hành được tự động hóa nhờ tích hợp API với các hệ thống khác. Đồng thời, với việc tiếp cận được nguồn dữ liệu đa dạng nhiều chiều, các công ty tài chính có khả năng tối ưu hóa các mô hình phân tích rủi ro và quản trị theo thời gian rất ngắn, theo vòng lặp có thể tính bằng ngày, bằng tuần, thay vì là tính bằng tháng, bằng quý như các mô hình vận hành truyền thống trước đây.

Một số thách thức khi triển khai Open API

Bên cạnh các lợi ích có được khi ứng dụng Open API, các tổ chức tín dụng cũng gặp không ít thách thức trong quá trình triển khai.

Đầu tiên là câu chuyện bảo mật dữ liệu. Open API yêu cầu chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba, làm gia tăng nguy cơ rò rỉ thông tin. Việc bảo vệ, bảo mật dữ liệu cá nhân đã, đang và sẽ luôn là thách thức lớn nhất đối với các bên tham gia trong quan hệ hợp tác.

Tiếp theo là chi phí đầu tư công nghệ. Xây dựng hạ tầng Open API đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ và nhân lực. Nhiều công ty tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là các công ty nhỏ, gặp khó khăn trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ kỹ sư IT giỏi và có kinh nghiệm trong ứng dụng Open API.

Trong khi đó, khung pháp lý về việc ứng dụng Open API chưa đồng bộ, chưa đầy đủ. Ngành ngân hàng đã bước đầu triển khai Open API, cho phép các đối tác kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu…, song hiện nay phát triển Open API đang diễn ra một cách cục bộ, ở từng các tổ chức tín dụng riêng lẻ với các tiêu chuẩn API, tiêu chuẩn an ninh bảo mật khác nhau. Rất kịp thời, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về triển khai Open API trong ngành ngân hàng nhằm tạo lập cơ sở pháp lý để thúc đẩy thực hiện các hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử.

Cùng với nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ tài chính số, Open API đang là một trong những động lực chính thúc đẩy đổi mới trong ngành tài chính tại Việt Nam. Rộng hơn nữa, Open API sẽ là một nhân tố không thể thiếu để giúp Việt Nam nhanh chóng thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của quốc gia.

Tin bài liên quan