Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính sẽ là giải pháp hàng đầu thúc đẩy tài chính toàn diện

Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính sẽ là giải pháp hàng đầu thúc đẩy tài chính toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) "Khó khăn do đại dịch gây ra đang trở thành động lực thúc đẩy của chuyển đổi số và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng". 

Đó là chia sẻ của Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng, tại buổi Họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 6 (AFMGM 6) diễn ra ngày 2/10.

Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, khu vực tài chính - ngân hàng của khu vực ASEAN đã và đang hợp tác chặt chẽ để duy trì khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước rất nhiều những bất ổn của kinh tế thế giới.

“Thông qua các Hội nghị của Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN và các phiên họp với đối tác, chúng tôi thống nhất nhận định rằng kinh tế thế giới và khu vực đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19”, Thống đốc nói.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đa số các nước ASEAN dự kiến tăng trưởng âm, từ mức - 1% đến - 8% trong năm 2020; trừ 3 nước có tăng trưởng dương ở mức thấp, từ 1,4% đến 1,8%; trong đó có Việt Nam.

Đã xuất hiện các tín hiệu lạc quan khi các tổ chức quốc tế cho rằng mức tăng trưởng dương sẽ quay trở lại khu vực ASEAN trong năm 2021, từ 3% đến 6,5%. Trong đó, Việt Nam được ADB dự báo đạt tăng trưởng 6,3%.

“Các Bộ trưởng và Thống đốc một lần nữa khẳng định cam kết tiếp tục đảm bảo ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng khu vực nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế”, Thống đốc nhấn mạnh.

Cũng theo Thống đốc, Hội nghị khẳng định vai trò của Bộ Tài chính và NHTW các nước ASEAN trong nỗ lực chung nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch tới khu vực và phục hồi kinh tế.

Các gói giải pháp tiền tệ và tài khóa được triển khai một cách kịp thời và hiệu quả đã khẳng định quyết tâm của các NHTW và Bộ Tài chính ASEAN trong việc thực hiện các mục tiêu chung về giảm thiểu tác động của đại dịch, đảm bảo ổn định và hỗ trợ phát triển kinh tế. Các giải pháp chính sách nêu trên được triển khai phù hợp với tinh thần chung của Tuyên bố Chủ tịch ASEAN, ban hành ngày 14/2 năm nay.

Đồng thời, các Bộ trưởng và Thống đốc cam kết tiếp tục đẩy mạnh hội nhập tài chính tiền tệ khu vực. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tiến trình hợp tác tài chính tiền tệ khu vực ASEAN vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

Các Nhóm công tác về hợp tác tài chính - ngân hàng cơ bản vẫn đảm bảo triển khai theo đúng tiến độ, đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra, cũng như yêu cầu chỉ số hoạt động của nhóm.

“Trong điều kiện kinh tế - tài chính mới, chúng tôi đã chú trọng thúc đẩy những vấn đề nổi lên gần đây trong tiến trình hợp tác khu vực như chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính, tài chính bền vững và tài chính toàn diện. Cụ thể, tại Hội nghị của các Thống đốc NHTW, các Thống đốc đã có phiên đối thoại với đại diện Ngân hàng Thanh toán quốc tế, Tổng giám đốc của các ngân hàng thương mại ASEAN và Hiệp hội Ngân hàng ASEAN về chủ đề thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng”, Thống đốc nói.

Cụ thể hơn về lĩnh vực thanh toán, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, với tư cách nước chủ nhà ASEAN 2020, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về “thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực” là ưu tiên hợp tác cấp quốc gia trong trụ cột kinh tế.

Cùng với nỗ lực chung của các NHTW ASEAN, và Hiệp hội ngân hàng ASEAN, một loạt các văn bản về kết nối thanh toán khu vực đã được hoàn thiện đến nay, bao gồm: Khuôn khổ chính sách thanh toán ASEAN và hướng dẫn thực thi áp dụng cho thanh toán bán lẻ xuyên biên giới theo thời gian thực.

Hiện nay, các nước ASEAN đang bắt đầu triển khai kết nối song phương trên cơ sở những văn bản này. NHNN và NHTW Thái Lan đã thành lập Tổ công tác để triển khai thí điểm kết nối thanh toán bán lẻ song phương bằng mã QR.

“Về chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng: Các Thống đốc đã có cuộc đối thoại với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và Tổng giám đốc điều hành của hơn 30 ngân hàng thương mại lớn trong khu vực ASEAN.

Hội nghị ghi nhận tầm quan trọng của vấn đề chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Kết quả đối thoại sẽ đặt tiền đề cho hoạt động hợp tác những năm tiếp theo”, Thống đốc nói.

Về chủ đề tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), Thống đốc cho biết, hiện nay phần lớn các quốc gia trên thế giới vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, một số ít quốc gia đang trong giai đoạn thử nghiệm với phạm vi hẹp.

Tại Hội nghị, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã cung cấp một góc nhìn tương đối sâu sắc về việc nghiên cứu, lựa chọn mô hình thiết kế CBDC. Đây là những thông tin cập nhật hữu ích và giá trị đối với các NHTW ASEAN trong quá trình nghiên cứu, về lĩnh vực mới mẻ này.

“Kết thúc phiên đối thoại chúng tôi đồng quan điểm cho rằng đại dịch COVID-19 đang gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho nền kinh tế khu vực. Xét từ góc độ nào đó, các khó khăn do đại dịch gây ra đang trở thành động lực thúc đẩy của chuyển đổi số và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Các Thống đốc và đại biểu cho rằng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính sẽ là giải pháp hàng đầu cho thúc đẩy tài chính toàn diện cũng như giúp giảm thiểu các tiếp xúc trực tiếp trong giai đoạn đại dịch”, Thống đốc nhấn mạnh.

Tin bài liên quan