Hài hoà giữa các bên để chuyển đổi số
Trong phiên thảo luận tại Hội thảo “Khởi động thông minh trong hành trình số hoá ngân hàng” do FPT và Công ty Tư vấn EY Việt Nam đồng tổ chức tại FPT Techday 2019, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, tiêu tiền cho công nghệ không biết bao nhiêu là vừa, rất đắt đỏ, rất tốn kém và phải cân đối, vì chỉ tiêu cao nhất Ban lãnh đạo ngân hàng nhận đầu năm là chỉ tiêu lợi nhuận, chứ không được giao chỉ tiêu chuyển đổi số.
“Thị trường vẫn thường nói đến câu chuyện, phần lớn các Tổng giám đốc (CEO) là “con tin” của Giám đốc công nghệ thông tin (CIO), tôi cho rằng đúng là vậy. Nếu CEO không am hiểu về công nghệ sẽ rất khó để biết nên làm như thế nào. Theo đó, khi có vấn đề cần bàn luận, mảng kinh doanh và công nghệ cùng nói chuyện để cùng tháo gỡ vướng mắc”, ông Hưng nói.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam thừa nhận, 90% sự thành công của một dự án tư vấn đến từ khách hàng. Nếu như khách hàng không biết mình muốn gì sẽ không thể thực hiện được dự án chuyển đổi số.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam điều phối phiên thảo luận
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số, ông Hưng cho biết thêm: “Lợi nhuận là câu chuyện ngắn hạn của năm nay, năm sau, nhưng chuyển đổi số là món lợi nhuận tích luỹ cho tương lai. Các ngân hàng vẫn phải đầu tư và làm sao hài hoà được việc đảm bảo có lợi nhuận mà vẫn chuyển đổi số”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Napas cho biết, để chuyển từ lời nói đến hành động trong việc số hoá, Napas đã chuẩn bị rất cẩn thận cho câu chuyện thanh toán không dùng tiền mặt trong suốt thời gian qua và điều này đã đưa đến kết quả nhìn thấy được là thị trường đã thay đổi.
“Napas cung cấp hạ tầng nếu không thay đổi, liệu các thành viên là “xe tăng” có “chạy” được trên con đường bé. Napas sẽ tạo ra một xa lộ, trên đó, các giao dịch thanh toán số sẽ chạy thông suốt, an toàn”, bà Tú Anh nói.
Bà Tú Anh cho biết thêm, Napas đang có kế hoạch đưa ra cơ cấu phí mới, vì các ngân hàng đang trông cậy vào cơ cấu phí mới cho chuyển mạch thẻ nội địa. Với cơ chế phí cho ngân hàng phát hành đang bằng 0 như hiện nay, rõ ràng không khuyến khích các ngân hàng, càng phát hành càng lỗ, càng mở rộng mạng lưới ATM càng lỗ. Đây là hành động chia sẻ với các ngân hàng của Napas.
Theo đó, phương án mới cho những giao dịch giá trị nhỏ dưới 500.000 đồng phải làm sao để cơ cấu phí đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác khi tham gia trên thị trường. Hiện khoảng 20% người dùng đang giao dịch dưới 500.000. Vì vậy, mức phí mới sẽ hỗ trợ thị trường phát triển hiệu quả hơn, giúp hệ sinh thái phát triển rộng hơn.
“Không chỉ có các ngân hàng tham gia vào hệ thống chuyển mạch, bù trừ của Napas như hiện tại, mà còn sẽ có hệ thống mới để các trung gian thanh toán và các công ty FinTech”, bà Tú Anh chia sẻ.
Các lãnh đạo sợ gì và thích gì trong chuyển đổi số?
Ông Nguyễn Hưng cho biết, điều sợ nhất khi một ý tưởng được triển khai thành dự án “chạy ngon”, nhưng cơ quan quản lý lại bảo “không được”.
Thực tế, do là bí mật kinh doanh, nên các ngân hàng không thể xin ý kiến trước hay tham vấn ý kiến từ cơ quan quản lý. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, với các ngân hàng có bộ phận pháp chế rất mạnh, thì không thể làm trái với quy định của pháp luật.
“Luôn luôn có những khoảng trống giữa những quy định cách đây 5 - 7 năm vẫn đang điều tiết cuộc sống hiện tại”, ông Nguyễn Hưng nói.
Toàn cảnh Hội thảo
Đánh giá về vai trò của công nghệ số, ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc VPBank cho rằng, thông qua công nghệ số sẽ có những sự hoán đổi vị thế cạnh tranh của các ngân hàng trong cùng ngành. Những ngân hàng chưa phải là Top 10, nhưng nếu ứng dụng công nghệ số sẽ có thể là Top 1.
“Vấn đề là làm thế nào để cân đối lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo có lợi nhuận hôm nay đồng thời đầu tư trong tương lai”, ông Khương nói.
Còn ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank nhận định, “tuổi” của một công nghệ số rất ngắn, nếu không kích hoạt được sự đồng lòng từ trên và dưới trong thực hiện, đôi khi làm xong công nghệ đó lại trở nên lạc hậu. Chuyển đổi số phải là suy nghĩ, tư duy, sự đồng lòng của cả một tập thể từ trên xuống dưới, kết nối chặt chẽ giữa các bên với nhau.
“Tôi thích có môi trường cho phép được thực hiện nhiều ý tưởng”, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin VietinBank nói.
Trong khi đó, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc MSB hóm hỉnh: “Tôi thích công nghệ số phát triển đến mức có một version (phiên bản) Quang làm việc để tôi đi đánh golf, tennis với bạn bè”.